Bất chấp đại dịch, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của nhiều ngân hàng thương mại vẫn rất khả quan, với nhiều ngân hàng thậm chí báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận hai con số. Tuy vậy, điều này là không đáng ngạc nhiên bởi nó có được là một phần quan trọng nhờ vào Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành giữa tháng 2 cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch.
Do dịch bệnh đã quay lại hồi tháng 7 và nền kinh tế tiếp tục khó khăn, nợ xấu thực tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh. Trước tình hình này, Thông tư 01 đang được xem xét sửa đổi để cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn đối với các khoản giải ngân từ ngày 23-1-2020 đến ngày 24-4-2020.
Nếu được thông qua, thông tư sửa đổi của Thông tư 01 sẽ tiếp tục làm nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng đỡ xấu, lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục đẹp hơn thực tế. Quan trọng hơn, nhờ giải pháp kỹ thuật này mà ngân hàng vẫn tiếp tục được phép đẩy mạnh cho vay mà không bị trói buộc quá chặt bởi nợ xấu và những yếu tố liên quan như trích lập dự phòng, tỷ lệ vốn tối thiểu v.v… vốn đã trở nên xấu đi nhiều nếu nợ xấu không được (gia hạn) cơ cấu. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế nói chung và làm lợi cho ngành ngân hàng nói riêng.
Tuy nhiên, cuộc vui nào rồi cũng sẽ đến lúc tàn. Thông tư 01 dù có được sửa đổi thêm một hoặc vài lần nữa thì chắc chắn sẽ phải đến lúc không thể, không còn lý do để sửa đổi nó, để nó hết hiệu lực. Lúc đó, nợ xấu sẽ buộc phải nổi lên với quy mô cao hơn nhiều so với con số “đẹp” báo cáo trước đó. Các ngân hàng lúc này sẽ phải đối mặt với khối nợ xấu đồ sộ này.
Nói cách khác, việc cho phép cơ cấu lại nợ chỉ giúp trì hoãn thời điểm chịu đau đớn, chứ không chữa được cơn đau chắc chắn sẽ xảy ra. Dẫu cũng có ngân hàng chủ động trích lập dự phòng, tích cực xử lý nợ xấu ngay cả trong thời gian được phép giấu nợ xấu, nhưng chưa chắc đã là tất cả. Điều này một phần bởi quy mô và tiềm lực xử lý nợ xấu là khác nhau, chênh lệch đáng kể giữa các ngân hàng và nhóm ngân hàng. Mặt khác, vì phải (chạy theo) bảo đảm thành tích kinh doanh nên các ngân hàng theo lẽ thường sẽ có xu hướng “giấu nợ” nhiều nhất hơn, nhất là khi được phép, nên dù có chủ động và tích cực đến mấy thì vẫn sẽ có một phần lớn nợ xấu được giấu đi.
Do vậy, nếu cân nhắc thiệt hơn, câu hỏi đặt ra là có nên tiếp tục sửa đổi Thông tư 01 để cho phép nợ xấu – vốn chắc chắn sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi sự quay lại của dịch – được che đi?
Nếu ngân hàng tiếp tục giấu nợ để tăng cường cho vay doanh nghiệp và nền kinh tế thì không thể phủ định được khả năng doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh hơn và nợ xấu ngân hàng nhờ đó cũng sẽ được xử lý nhanh hơn. Nhưng quá trình theo lý thuyết này có thể sẽ tốn rất nhiều thời gian.
Công cuộc xử lý nợ xấu tích tụ từ những năm đầu thập kỷ này đã chật vật diễn ra trong nhiều năm cho đến khi có các giải pháp xử lý mạnh tay hơn như theo Nghị quyết 42 của Quốc hội và Đề án 1058 của Chính phủ, chưa kể sự ra đời trước đó của VAMC thì tình hình mới phần nào được cải thiện nhanh chóng hơn cho đến khi một lần nữa nền kinh tế lại rơi vào khó khăn do đại dịch năm nay.
Vấn đề là việc thực hiện Nghị quyết 42 ngay trong thời bình thường đã và đang gặp nhiều trở ngại, nhất là những vướng mắc pháp lý liên quan đến việc xử lý tài sản bảo đảm, bất chấp nhiều trong số những trở ngại này đã được xác định để có hướng giải quyết. Trên thực tế, để xử lý được những vướng mắc pháp lý này thì phải sửa đổi đồng bộ nhiều luật như Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Nghị quyết 42 v.v… Điều chắc chắn là để cho đến khi không còn vướng mắc nữa thì bản thân những luật sửa đổi này cũng sẽ phải được sửa đổi thêm, tức là sẽ cần thêm không ít năm nữa.
Với thời gian dự kiến kéo dài để xử lý đống nợ xấu dồn lại sau đại dịch, triển vọng xử lý nợ xấu sẽ trở nên bất trắc hơn nếu đột nhiên nền kinh tế trong nước và thế giới lại phải đối mặt với những khó khăn mới, là điều không thể nói trước được.
Trên hết, việc giấu, làm đẹp nợ xấu cần được đi kèm với những giải pháp không được khuyến khích như chậm/trì hoãn áp dụng các chuẩn mực mới của quốc tế đã được nhiều nước áp dụng, ví dụ như tiêu chuẩn kế toán quốc tế IFRS 9 (trong khi Việt Nam vẫn áp dụng chuẩn kế toán VAS của riêng mình). Việc chậm chễ này sẽ để lại những hậu quả tương tự như việc chậm chễ áp dụng các chuẩn mực an toàn của Basel II và cao hơn.
Vì vậy, với triển vọng bất trắc trong xử lý nợ xấu khi được che giấu như trên, cần xem lại chủ trương sửa đổi, gia hạn Thông tư 01 hay những giải pháp tương tự trong tương lai mỗi khi nền kinh tế đối mặt với một cú sốc nào đó. Sự (bắt buộc phải) thẳng thắn đối mặt với nợ xấu ngay khi chúng phát sinh sẽ không chỉ tăng thêm tính minh bạch, lành mạnh của hệ thống mà còn giúp cho các ngân hàng có thêm động lực để xử lý nợ xấu sớm trong khả năng có thể.
Quá trình xử lý sớm và triệt để nợ xấu tất nhiên sẽ gây ra những hậu quả lập tức cho doanh nghiệp, ngân hàng và cả nền kinh tế. Nhưng không nên đánh đổi sự lành mạnh, an toàn của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế trong dài hạn lấy một vài điểm phần trăm tăng trưởng trong ngắn hạn.