Từng xem là cú nhảy mạnh vào miếng bánh hàng trăm tỷ USD, Yeah1 bất ngờ chuyển nhượng 51% vốn tại Giga1

Từng xem là cú nhảy mạnh vào miếng bánh hàng trăm tỷ USD, Yeah1 bất ngờ chuyển nhượng 51% vốn tại Giga1

HĐQT Tập đoàn Yeah1 (YEG) đã thông qua Nghị quyết hợp tác với một số đối tác để cùng phát triển mảng kinh doanh thương mại tại CTCP Công nghệ Thương mại Giga1. Đồng thời, Tập đoàn cũng thông qua việc chuyển nhượng 51% cổ phần có quyền biểu quyết của Yeah1 tại Giga1.

Giá chuyển nhượng không thấp hơn giá trị sổ sách tại BCTC gần nhất, đồng thời giao Chủ tịch HĐQT lựa chọn đối tác nhận chuyển nhượng và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng theo quy định pháp luật.

Được biết, sau sự cố với YouTube và liên tục giảm sút từ năm 2018, Giga1 được giới thiệu là cuộc chơi chiến lược mới của Yeah1. Thậm chí, Giga1 cũng là câu trả lời bản thân lãnh đạo Yeah1 đi tìm kiếm cho câu hỏi tại sao Yeah1 lại ký sinh trên nền tảng YouTube, Google?

Giga là nền tảng Thương mại đa kênh M2C (manufacturer to consumer). Giga1 theo giới thiệu Yeah1 là một hệ sinh thái nền tảng thương mại đa kênh đi thẳng từ nhà máy sản xuất tới người tiêu dùng cuối, gia tăng doanh số bán hàng và tăng quyền lợi cho người tiêu dùng nhờ việc giảm đáng kể chi phí bán hàng.

Giga1 sẽ tập hợp các tài sản giá trị của Tập đoàn là: nền tảng thúc đẩy bán hàng hiệu quả (promotion platform): Mega1, Mega1 VIP; nền tảng loyalty liên minh: Media One; nền tảng phân phối O2O: MEGA1 Merchants; nền tảng bán hàng qua KOL: Celuv, SGO48, KOC; nền tảng bán hàng liên kết: Netlink, Yeah1 Publishers; nền tảng thanh toán: Ting, Ví điện tử.

Trong đó, Giga1 thời buổi đầu có đối tác lớn là Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Lúc bấy giờ, không chỉ ký kết trên vai trò đối tác, ái nữ nhà Tân Hiệp Phát là bà Trần Phương Uyên cũng chi tiền mua đến 6,89 triệu cổ phiếu YEG.

Có thể rất kỳ vọng vào bước đi mới của “kỳ lân” giải trí một thời, bà Phương đã trả mức giá 50.000 đồng/cp để trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Yeah1 với tỷ lệ sở hữu hơn 22% vốn, sau Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống. Dù vậy, sau hơn 1 năm, bà Phương đã bán ra phần lớn cổ phần tại vùng giá chưa đến phân nửa ban đầu với 20.000 đồng/cp, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 8,8% vốn.