Kinh doanh lao đao, rao bán mạnh tay
Không quá khó để tìm thấy các thông tin rao bán khách sạn tại Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, hay tại các TP lớn như Tp.HCM và Hà Nội ở thời điểm này.
Tại Hà Nội, khảo sát trên một chuyên trang mua bán bất động sản, mỗi ngày có cả chục khách sạn được rao bán với đủ mọi mức giá, từ vài chục tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng. Cách trung tâm Hồ Gươm chỉ vài trăm mét, ngay phố Hàng Bè nơi trước đây luôn sầm uất du khách nước ngoài, một khách sạn mini diện tích 102m2 đang treo biển rao bán với giá 69 tỷ đồng. Cách đó không xa, một khách sạn trên phố Mã Mây cũng rao bán với giá hơn 100 tỷ đồng. Trên phố Hàng Buồm, một khách sạn cuối năm 2020 rao bán 75 tỷ đồng, đến đầu năm 2021 chủ nhà chấp nhận hạ xuống 60 tỷ đồng, giảm đến 15 tỷ đồng mà vẫn chưa có giao dịch. Một khách sạn khác nằm gần phố đi bộ Tràng Tiền có diện tích 374m2 với 65 phòng cũng được rao bán với giá khoảng 254 tỷ đồng.
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội ước đạt 2,89 triệu lượt khách, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ tính riêng tháng 5/2021, khách du lịch nội địa ước đón 115.000 lượt khách, giảm 53,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ khách du lịch nội địa ước đạt 322 tỷ đồng, giảm 60,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2021, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1 – 5 sao ước đạt khoảng 23,6%, giảm 8,6 % so với cùng kỳ năm 2020.
Do chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế, người nước ngoài đến Hà Nội trong thời gian này chủ yếu là chuyên gia, người lao động lưu lại làm việc tại các địa phương. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi của thị trường du lịch và khách sạn dự báo sẽ còn gặp nhiều khó khăn.