Giống như việc chuyển từ xe ngựa sang xe chạy bằng động cơ đốt trong, việc chuyển đổi từ ô tô chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện (EV) sẽ có tác động sâu sắc đến vấn đề phương tiện giao thông cá nhân. Covid-19 khiến doanh số bán xe hạng nhẹ toàn cầu giảm 20% trong năm 2020, xuống khoảng 70 triệu, nhưng ngành công nghiệp này sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2021. Và dẫn đầu là Trung Quốc với tỷ lệ xe chạy năng lượng pin sẽ tăng nhanh chóng.
Sự thay đổi này sẽ thay đổi cách mà con người ta đi lại. Sử dụng năng lượng điện làm thay đổi căn bản tư duy về kiến trúc bên trong của một chiếc ô tô, biến nó thành một chiếc máy tính vận hành trên những bánh xe. Một loạt các hệ thống điện tử mới mang lại sự kết nối và sản sinh dữ liệu, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, các dịch vụ vận chuyển tốt hơn và cuối cùng là biến chiếc ô tô thành phương tiện hoàn toàn tự lái. Trong năm 2021, các công ty trong hệ sinh thái sản xuất ô tô điện – gồm Tesla, các công ty bắt chước, cùng với các nhà sản xuất ô tô lâu đời và những gã khổng lồ công nghệ – sẽ tranh giành vị trí trong cuộc chạy đua điện khí hóa tương lai.
Đà tăng vọt của cổ phiếu Tesla – hiện là nhà sản xuất ô tô có giá trị cao nhất thế giới – mang lại động lực lớn cho các hãng sản xuất hiện tại và kể cả những công ty mới bắt đầu. Tesla có thể dẫn đầu về công nghệ pin và phần mềm, nhưng để có được những lợi thế đó, Tesla phải chứng minh rằng “những sản phẩm tệ hại” đã là quá khứ. Elon Musk mơ ước sản xuất được 20 triệu ô tô mỗi năm; trong khi con số của năm 2019 là 370.000 chiếc. Mở rộng quy mô sản xuất là thứ khiến Tesla đau đầu nhất. Liệu những “siêu công xưởng” (gigafactories) mới của họ ở Texas và gần Berlin có đi vào hoạt động suôn sẻ như nhà máy mới tại Thượng Hải hay không?
Trong khi đó các nhà sản xuất ô tô tên tuổi cũng phải đối mặt với một thách thức không kém phần khó khăn: đó là học cách viết phần mềm. Ô tô điện yêu cầu phải có phần mềm tích hợp, không chỉ để đảm bảo rằng pin và động cơ có thể hoạt động cùng nhau để mang lại hiệu suất tốt nhất mà còn để kết nối ô tô với thế giới bên ngoài. Các nhà sản xuất ô tô hiện tại đang gặp khó khăn trong việc kết hợp các hệ thống điện tử khác nhau từ các nhà cung cấp khác nhau để tạo ra một trải nghiệm thống nhất.
Chuyển từ chú trọng các vấn đề về kỹ thuật cơ khí sang phát triển phần mềm và cung cấp các dịch vụ vận chuyển, điều mà khách hàng sẽ ngày càng yêu cầu (chẳng hạn như dịch vụ đặt xe và chia sẻ xe) không phải là thách thức duy nhất. Những công ty ô tô truyền thống cũng phải giảm bớt đầu tư vào công nghệ động cơ đốt trong và hợp tác với nhau khi cần thiết để bắt kịp công nghệ về pin và phần mềm. Các chuyên gia mong đợi sẽ có nhiều liên doanh và dòng vốn lớn hơn rót vào các công ty khởi nghiệp, vì điều này phản ánh nỗ lực chia sẻ chi phí, chuyển hướng khỏi việc sử dụng năng lượng xăng dầu và mang lại cách thức tư duy mới.
Và các hãng sản xuất “bắt chước Tesla” như Li, Nio, WM Motor và Xpeng của Trung Quốc cho đến các công ty Mỹ như Fisker, Lucid hay Nikola đang dính bê bối sẽ ra sao? Họ đã nhận được nguồn tiền từ các nhà đầu tư đầy phấn khích cũng như các hãng sản xuất ô tô danh tiếng hay những gã khổng lồ công nghệ đang muốn chớp lấy cơ hội. Nhưng những công ty nào sẽ có quyền lực lâu dài? Liệu họ có thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng mình sở hữu công nghệ độc quyền để có lợi thế lâu dài hay không?
Như những gì ngành công nghiệp này cho thấy, việc tìm ra cách sản xuất ô tô ở quy mô lớn, khi mà bit và byte quan trọng như phanh và thân xe, là chuyện không hề đơn giản. Thiết lập mạng lưới bán lẻ và bảo trì cũng không phải là dễ. Vì vậy, trong năm tới đây, câu chuyện sẽ là đối thủ cạnh tranh nào của Tesla, cả mới và cũ, có thể tiếp tục cuộc đua này.
Tham khảo The Economist