Năm 2000, thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động với chỉ 6 công ty chứng khoán (CTCK), bao gồm Chứng khoán Bảo Việt (BVSC, HNX: BVS ), Chứng khoán BIDV (BSC, HNX: BSI ), Chứng khoán ACB (ACBS), Chứng khoán SSI ( HoSE: SSI ), Chứng khoán MB ( HNX: MBS ) – trước đây là Chứng khoán Thăng Long và Chứng khoán Đệ Nhất (nay là Chứng khoán Yuanta Việt Nam – YSVN). Vốn điều lệ của các công ty thời điểm bắt đầu cũng rất khiếm tốn: SSI nhỏ nhất với chỉ 6 tỷ đồng, MBS là 9 tỷ đồng, YSVN 40 tỷ đồng, ACBS 43 tỷ đồng, BVSC 50 tỷ đồng và BSC 55 tỷ đồng.
Trong khoảng 10 năm phát triển của thị trường chứng khoán, số lượng CTCK tăng vọt. Năm 2010, có trên có đến 105 CTCK hoạt động. Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán giảm mạnh giai đoạn 2009-2010, nhiều công ty thua lỗ hoặc hoạt động kém hiệu quả. Năm 2012, trong số 105 công ty chứng khoán hoạt động, thì có hơn 50% lỗ và hơn 70% có lỗ lũy kế.
Các CTCK thua lỗ còn dẫn tới tình trạng vi phạm chuẩn mực đạo đức hoạt động như lạm dụng tài khoản tiền và chứng khoán của nhà đầu tư. Điều này tác động tiêu cực đến lòng tin của nhà đầu tư và dẫn tới sự tái cấu trúc của ngành chứng khoán: công ty ngừng hoạt động, công ty thay tên đổi chủ và sự gia nhập của các đơn vị nước ngoài.
Hiện tại, số lượng CTCK hoạt động bình thường là 74 đơn vị. Quy mô của nhóm CTCK cũng tăng mạnh với tổng vốn điều lệ tại thời điểm 30/6 đạt gần 78.324 tỷ đồng. Trong đó, SSI là có vốn điều lệ lớn nhất với hơn 6.573 tỷ đồng. Đây cũng là số ít các CTCK có vốn hóa trên 1 tỷ USD – đạt hơn 40.000 tỷ đồng.
Số CTCK báo lãi trong năm 2020 là 61 trong khi vẫn còn 12 đơn vị kinh doanh thua lỗ, Chứng khoán Thủ Đô không có BCTC năm 2020. Trong đó, các công ty vốn “nội” khẳng định vị thế khi luôn đứng đầu đề lợi nhuận cũng như duy trì được thị phần môi giới áp đảo qua các năm.
Nhóm chứng khoán ngoại đổ bộ
Trong quá trình tái cấu trúc nhóm CTCK, bên cạnh sự đào thải những đơn vị yếu kém, còn phải nhắc đến sự xuất hiện của vốn đầu tư nước ngoài. Khi thấy được “miếng bánh béo bở” từ ngành còn nhiều dư dư địa để phát triển như chứng khoán, nhiều tập đoàn nước ngoài lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc thâu tóm các CTCK Việt Nam. Maybank KimEng (MBKE) trở thành CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Hiện công ty có vốn điều lệ 1.745 tỷ đồng, so với 300 tỷ đồng năm 2013. Kết quả kinh doanh cũng được cải thiện đáng kể khi liên tục kinh doanh có lãi qua các năm. Năm 2020, MBKE lãi sau thuế kỷ lục gần 105 tỷ đồng.
Sau MBKE, hàng loạt các công ty vốn ngoại khác xuất hiện như Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS), Chứng khoán Pinetree, Chứng khoán Shinhan (SSV)… Trong danh sách này có một số cái đơn vị tiến hành thâu tóm các CTCK Việt Nam. Tập đoàn tài chính JB mua lại Chứng khoán Morgan Stanley Hướng Việt vào tháng 4/2020 và đổi tên thành Công ty TNHH Chứng khoán JB Việt Nam. Tương tự, Hanwha Investment & Securities hoàn tất thâu tóm Công ty chứng khoán HFT vào năm 2019 và đổi tên thành Chứng khoán Pinetree.
Các công ty chứng khoán ngoại sau khi gia nhập thị trường Việt Nam, bằng tiềm lực dồi dào từ công ty mẹ, đã tăng vốn mạnh mẽ trong giai đoạn 2017-2020. Điền hình như Mirae Asset từ mức vốn điều lệ chỉ 700 tỷ đồng (2017) thì hiện tăng lên 5.456 tỷ đồng (quý II/20210), KBSV cũng tăng vốn từ 300 tỷ đồng lên 1.675 tỷ đồng.