Bốn doanh nghiệp trên sàn chứng khoán nắm giữ hơn 1 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn tại thời điểm 30/9/2021. Đó là: CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) 34.800 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) 33.200 tỷ đồng, Tổng công ty khí Việt Nam (GAS) 29.600 tỷ đồng và Tập đoàn Vingroup (VIC) 25.200 tỷ đồng.
Sự vươn lên ấn tượng nhất không doanh nghiệp nào khác ngoài trường hợp của Hoà Phát, lượng tiền mặt của công ty này đã tăng từ mức 21.800 tỷ đồng từ đầu năm, thêm 13.000 tỷ đồng sau 9 tháng. Trong khi đó, tiền mặt của Vingroup biến động khá mạnh. Còn tại ACV không thay đổi đáng kể.
Trong số các doanh nghiệp nắm giữ tiền mặt và tiền gửi trên 10.000 tỷ tại thời điểm kết thúc quý 3/2021, những đơn vị chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ nhất so với đầu năm gồm có CTCP Thế giới Di động (MWG), CTCP Vinhomes (VHM), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), và Vingroup (VIC).
Quay trở lại với Hoà Phát, công ty của tỷ phú Trần Đình Long có được ngôi vị “ông vua tiền mặt” nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh mạnh mẽ. Sau 9 tháng, Hoà Phát lãi ròng 27.051 tỷ đồng, xếp thứ hai trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Đối với Vingroup, tiền mặt và tiền gửi giảm mạnh chủ yếu do dòng tiền kinh doanh thuần và dòng tiền đầu tư trong kỳ âm với giá trị lớn. Điều tương tự diễn ra ở Thế giới Di động khi dòng tiền thuần hoạt động kinh doanh của công ty này sụt giảm mạnh.
Ngoài ra, cũng cần nhắc đến những doanh nghiệp sinh ra dòng tiền đều đặn từ hoạt động kinh doanh qua có làm tăng khối lượng tiền mặt, tiền gửi theo thời gian, cụ thể là: Vinamilk (21.800 tỷ đồng), FPT (21.500 tỷ đồng), Sabeco (18.700 tỷ đồng)…