Tìm đủ ‘lao động xanh’ để tái sản xuất: Doanh nghiệp gặp khó

Tìm đủ ‘lao động xanh’ để tái sản xuất: Doanh nghiệp gặp khó

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh Đồng Nai cho biết, mặc dù tỉnh đã có chủ trương cho phép các DN được đổi lao động ra vào nhưng hiện nay, một số địa phương lại không tiếp nhận lao động đang hoạt động “3 tại chỗ” trở về địa phương. Một số xã, phường lại quy định khi công nhân “3 tại chỗ” trở về thì phải đưa vào vùng cách ly của địa phương, mặc dù công nhân đã được xét nghiệm đầy đủ và làm việc tại nhà máy ở “vùng xanh”. Điều này khiến công nhân không thể về, vì vào khu cách ly lại có nguy cơ lây chéo.

Theo BQL các KCN tỉnh Đồng Nai, sau khi Đồng Nai triển khai kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế xã hội, nhiều DN muốn khôi phục 100% công suất và có nhu cầu đón lao động trở lại nhưng gặp vướng mắc, bởi nhiều quy định còn chưa thống nhất. Điển hình như, tỉnh này quy định: Lao động mà DN muốn bổ sung, thay mới, trở lại nhà máy làm việc phải thuộc “vùng xanh”, đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin được 14 ngày hoặc đã điều trị khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày. Trong khi đó, phần lớn vắc-xin được dùng để tập trung tiêm cho dân ở các “vùng đỏ”, “vùng vàng” và “vùng cam” nên rất ít lao động ở “vùng xanh” đủ điều kiện để được tiêm vắc-xin. Vì vậy, một số DN đã phải hủy thông báo cho công nhân đăng ký đi làm trở lại, vì không đáp ứng được yêu cầu.

Bà Nguyễn Ngọc An Hảo, trợ lý Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vacpro Việt Nam (KCN Nhơn Trạch 1), cho biết công ty chỉ tổ chức được 50% trong số 800 lao động lưu trú tại nhà máy để sản xuất đáp ứng các đơn hàng cấp bách. Hiện tại, Đồng Nai mở cửa trở lại, công ty muốn khôi phục sản xuất và đưa tất cả lao động trở lại nhà máy nhưng 90% lao động đang phải nghỉ việc ở các “vùng đỏ”. “Chúng tôi đang lo là nếu không khôi phục được sản xuất sẽ mất nhiều đơn hàng của đối tác nước ngoài”, bà Hảo nói.

Bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom cho biết, toàn huyện chỉ có 9 xã “xanh”, 8 xã còn lại thuộc vùng vàng, cam, đỏ. Nhưng công nhân ở “vùng xanh” lại không đáp ứng được tiêu chuẩn để đi làm do tỉ lệ tiêm chủng thấp hơn ở vùng vàng, cam, đỏ. Việc quy định công nhân quay trở lại làm việc phải đi lại bằng xe đưa rước cũng rất khó khăn, vì công nhân không ở tập trung nên DN rất khó tổ chức đưa rước.

Huyện Tân Phú có 100% xã “vùng xanh”, nhưng người dân vẫn không thể đi lại giữa các xã trong huyện. Lý do là tỷ lệ tiêm vắc-xin ở các địa phương chưa đạt trên 70% theo quy định để trở thành vùng “xanh bình thường mới”.

Chưa có nhiều DN đủ điều kiện

Tỉnh Bình Dương cũng cho phép các DN ở “vùng xanh” trở lại hoạt động, song hiện rất ít DN đáp ứng được điều kiện để tái sản xuất. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, ngoài mô hình “3 tại chỗ” và “1 cung đường – 2 điểm đến”, Bình Dương thêm mô hình “3 xanh” với những tiêu chí khắt khe từ người lao động, nơi ở và nhà máy.

Cụ thể, khi DN được phép thực hiện “3 xanh”, trước khi cho công nhân vào, DN phải khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc 2 lần (lần 1 trước khi hoạt động 3 ngày bằng xét nghiệm PCR gộp mẫu, lần 2 xét nghiệm kháng nguyên nhanh). Trong quá trình hoạt động, DN phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 thực hiện 5 ngày/lần; xét nghiệm hằng ngày đối với người tiếp nhận, vận chuyển hàng hóa, thực phẩm… di chuyển ra vào công ty.

Ông Phan Thế Hiệp, đại diện Công ty TNHH Gốm sứ Xuất khẩu Eschbach cho biết, đơn vị đã liên hệ với các chủ nhà trọ trên địa bàn để bố trí công nhân ở chung một khu trọ, nhằm đáp ứng điều kiện thực hiện mô hình “3 xanh”. “Các chủ nhà trọ đều ủng hộ, nhưng theo quy định, trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi phải bố trí khu cách ly, xét nghiệm cho toàn bộ lao động nên sẽ tốn rất nhiều kinh phí”, ông Hiệp nói.

Tương tự, Công ty TNHH Uchiyama Việt Nam đang thực hiện “3 tại chỗ” với trên 700 lao động. “Công ty muốn được thực hiện mô hình “3 xanh” nhưng đang gặp khó với điều kiện tìm chỗ ở chung tại một khu trọ cho người lao động”, ông Nguyễn Viết Xiêm, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết.

Ông Nguyễn Thành Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An xác nhận, mô hình sản xuất “3 xanh” còn gặp khó ở khâu bố trí nơi ở cho công nhân. Vì vậy, hiện tại, thành phố Thuận An rất ít DN đăng ký hoạt động “3 xanh”. Theo ông Tâm, một khu trọ ở Thuận An đang có ít nhất công nhân của 5 công ty sinh sống. Do đó, khi bố trí nơi ở tập trung cho công nhân của một công ty riêng một khu trọ phải đảm bảo liên kết các khu trọ, cần thời gian để sắp xếp. Do đó, TP Thuận An đã đề nghị các DN bố trí nhà xưởng làm nơi ở cho công nhân để duy trì lâu dài.

Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bình Dương, cho biết, hiện có 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận, cam kết sẽ giảm lãi suất cho các DN. NHNN sẽ tăng cường giám sát thực hiện các cam kết trên, đảm bảo từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ thành hiện thực, hỗ trợ tích cực cho DN.