Sụt giảm triền miên, Trung Quốc trở thành một trong những thị trường tệ nhất châu Á

Sụt giảm triền miên, Trung Quốc trở thành một trong những thị trường tệ nhất châu Á

Thị trường đại lục và Hồng Kông đều bị “nhuốm đỏ”

Chứng khoán Trung Quốc bị bán tháo trong nhiều ngày liên tiếp đã khiến 2 chỉ số chính thuộc nhóm có diễn biến tệ nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tính đến thời điểm đóng cửa phiên hôm qua, CSI 300 đã giảm 8,83% trong năm nay. Hang Seng Index của Hồng Kông cũng mất 7,88% từ đầu năm đến nay.

Các nhà phân tích của Bespoke Investment Group nhận định: “Hang Seng Index chưa từng chứng kiến đợt sụt giảm nào kinh hoàng như 2 ngày qua kể từ khủng hoảng tài chính.”

Ngoài ra, các chỉ số chính khác của đại lục như Shanghai Composite và Shenzhen Component cũng giao dịch tiêu cực trong năm nay và nằm trong số ít các chỉ số của châu Á – Thái Bình Dương ghi nhận mức giảm từ đầu năm đến nay.

Hơn nữa, MSCI Emerging Markets Index cũng giao dịch tiêu cực trong năm nay. Cổ phiếu của các gã khổng lồ công nghệ Tencent, Alibaba và Meituan thuộc 5 công ty chiếm tỷ trọng lớn nhất của chỉ số này, tính đến ngày 30/6.

Đợt bán tháo diễn ra khi các cơ quan quản lý Trung Quốc tiếp tục siết chặt quy định đối với các lĩnh vực từ công nghệ đến giáo dục và giao thực phẩm. Động thái này đã khiến nhà đầu tư hoảng sợ và nhiều người nhanh chóng tìm cách tháo chạy.

Ở phiên ngày hôm nay, thị trường Hồng Kông và Trung Quốc đại lục giao dịch trái chiều, chật vật để hồi phục sau 3 phiên liên tiếp lao dốc.

Khởi động quý II, toàn bộ các chỉ số chính của Trung Quốc và Hang Seng đều ghi nhận mức tăng trong năm nay. Tính đến cuối tháng 6, Shenzhen Component và CSI 300 tăng 4,78% và 0,24%, trong khi Hang Seng Index tăng 5,86%.

Những tin xấu chồng chất

Đợt bán tháo gần đây nhất trên thị trường chứng khoán Trung Quốc bắt đầu diễn ra sau khi Bloomberg tuần trước đưa tin các cơ quan quản lý Trung Quốc đang lên kế hoạch đưa ra án phạt nặng đối với Didi. Công ty này có thể phải nộp khoản tiền lớn và huỷ niêm yết.

Sau đó, hiệu ứng domino đã xảy ra. Cuối tuần vừa rồi, giới truyền thông cũng cho biết Bắc Kinh chuẩn bị siết chặt quy định đối với ngành giáo dục tư nhân. Điều này ngay lập tức khiến cổ phiếu giáo dục của Trung Quốc niêm yết tại Mỹ lao dốc. Hôm thứ Hai, cổ phiếu ngành giáo dục niêm yết tại Hồng Kông gồm New Oriental Education & Technology Group, Koolearn Technology và China Beststudy Education Group đồng loạt rơi hơn 30%.

Chưa dừng ở đó, cơ quan quản lý chống độc quyền của quốc gia này đã yêu cầu Tencent phải ngừng quyền cấp phép độc quyền đối với mảng âm nhạc và phạt công ty này vì hành vi chống cạnh tranh.

Hôm thứ Hai, Cục Quản lý Thị trường Nhà nước (SAMR) đã ban hành quy định mới đối với các nền tảng giao đồ ăn, bao gồm việc trả lương tối thiểu cho nhân viên giao hàng. Động thái này có thể gây tổn hại đến lợi nhuận của các công ty như Meituan và Ele.me của Alibaba.

Nhà đầu tư còn lo ngại về lĩnh vực bất động sản. Cổ phiếu tập đoàn bất động sản “nợ như chúa chổm” China Evergrande giảm 13,41% ở phiên hôm qua sau khi thông báo huỷ đợt trả cổ tức đặc biệt. Công ty này đã gặp khó khăn trong nhiều tháng do khối nợ quá lớn, nhất là khi chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực kiểm soát lĩnh vực này.

JPMorgan nhận thấy “cơ hội”

Ngay cả khi thị trường đang hỗn loạn, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư của JPMorgan Private Bank – Alex Wolf, nhận thấy cơ hội đối với các cổ phiếu niêm yết ở đại lục. Đây là nhóm cổ phiếu mà nhà đầu tư nhỏ lẻ khó tiếp cận hơn so với cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông.

Ông cho biết, hầu hết các cổ phiếu Trung Quốc – đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt bán tháo, đều được niêm yết ở Mỹ và Hồng Kông. Những cổ phiếu này thường được sở hữu bởi các nhà đầu tư nước ngoài, bởi nhà đầu tư đại lục khó tiếp cận.

Wolf khuyến nghị nhà đầu tư hướng sự chú ý đến cổ phiếu hạng A của các công ty đại lục được niêm yết tại Thượng Hải hoặc Thâm Quyến. Theo ông, các cổ phiếu này phần lớn được nhà đầu tư trong nước sở hữu, ít chịu ảnh hưởng bởi dòng vốn ngoại. 

Tham khảo CNBC