Mặt bằng lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong quý 1/2021
Theo đánh giá của các tổ chức tín dụng (TCTD) qua các kỳ điều tra, trong năm 2020, nhu cầu thanh toán, đặc biệt là các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt vượt cao hơn nhu cầu gửi tiền và vay vốn, phản ánh phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian dịch bệnh của năm 2020.
Đánh giá riêng trong quý 4/2020, nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ cải thiện tích cực hơn quý trước với 41,3% TCTD nhận định tổng nhu cầu “tăng” (quý 3/2020 là 31,7%), trong đó nhu cầu thanh toán có dấu hiệu cải thiện rõ nhất.
Trên cơ sở đó, các TCTD đã điều chỉnh tăng kỳ vọng đối với nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng trong quý 1/2021 và cả năm 2021 (52,5-75% TCTD kỳ vọng “tăng” so với 50- 71,4% có cùng kỳ vọng ở quý trước), trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Hệ thống TCTD cho biết tiếp tục điều chỉnh giảm giá bình quân sản phẩm dịch vụ (lãi suất biên và phí dịch vụ) trong quý 4/2020 (35,9% TCTD điều chỉnh giảm). Tính chung trong năm 2020, 45,2% TCTD cho biết đã giảm giá bình quân các sản phẩm dịch vụ; 44,2% TCTD cho biết đã “giữ nguyên. Giá bình quân sản phẩm dịch vụ tiếp tục được dự kiến giảm trong quý 1/2021 (20,6% TCTD dự kiến giảm nhẹ).
Các TCTD cho biết thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối quý 4/2020 dồi dào hơn đối với VNĐ nhưng có xu hướng thu hẹp hơn đối với ngoại tệ so với thời điểm cuối quý 3/2020. Đánh giá tổng thể năm 2020, đa số TCTD nhận định tình hình thanh khoản dồi dào hơn so với năm 2019. Thanh khoản toàn hệ thống được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở trạng thái tốt trong quý 1/2021 và cả năm 2021 là cơ sở cho kỳ vọng tín dụng sẽ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid_19.
Các TCTD nhận định mặt bằng lãi suất đã giảm rõ rệt trong năm 2020 và kỳ vọng tiếp tục giảm nhẹ trong quý 1/2021, với mức giảm bình quân kỳ vọng là 0,05-0,16 điểm phần trăm so với cuối năm 2020.
Tín dụng dự kiến tăng 13%
Tỷ lệ phần trăm TCTD đánh giá rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng trong năm 2020 “tăng” lên so với năm trước ở mức cao nhất (52,9%) trong vòng 5 năm qua. Nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa và công ty cổ phần, TNHH và doanh nghiệp tư nhân được đánh giá có rủi ro tăng cao hơn so với các nhóm khách hàng còn lại.
Riêng quý 4/2020, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định có xu hướng tăng chậm lại rõ rệt với tỷ lệ TCTD nhận định mặt bằng rủi ro “tăng” đạt mức 27%, thấp nhất trong vòng 3 quý trở lại đây và tỷ lệ TCTD đánh giá mặt bằng rủi ro “giảm nhẹ” đạt 10,6%, cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây.
Mặc dù quan ngại rủi ro có thể còn “tăng nhẹ” trong quý 1/2021, nhưng các TCTD đã kỳ vọng lạc quan hơn về mức độ rủi ro tổng thể năm 2021, nghiêng về xu hướng rủi ro sẽ “giảm nhẹ” so với năm 2020.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,5% trong quý 1/2021 và tăng 11,9% trong năm 2021. Hầu hết các nhóm TCTD đều nâng mức dự báo về tăng trưởng huy động vốn năm 2021, ngoại trừ nhóm NHTMCP nhỏ.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các TCTD dự báo tăng 3,6% trong quý 1/2021 và tăng 13% trong năm 2021. Ngoại trừ nhóm NHTMCP lớn, các nhóm TCTD còn lại đều nâng mức dự báo về tăng trưởng tín dụng của đơn vị mình trong năm 2021.
Tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong quý 4/2020 có chuyển biến tích cực hơn so với quý 3/2020 với số TCTD đánh giá “giảm” nợ xấu tăng lên và số TCTD đánh giá “tăng” nợ xấu đã giảm đi so với kỳ điều tra trước.
Vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng lợi nhuận sẽ phục hồi
78,2% TCTD cho biết lực lượng lao động vẫn được giữ nguyên hoặc tăng lên so với quý trước, đạt mức cao nhất kể từ kỳ điều tra quý 1/2020. Tuy nhiên, tốc độ tuyển thêm lao động đã chậm lại trong quý 4/2020 với 43,9% TCTD cho biết tăng thêm lao động trong quý (thấp hơn tỷ lệ 47,7% của quý trước). Tính đến cuối năm 2020 so với cuối năm 2019, 60% TCTD cho biết đơn vị đã tuyển thêm lao động; 26,7% TCTD cho biết giữ nguyên lao động và 13,3% TCTD cho biết cắt giảm lực lượng lao động trong năm (chỉ kém khả quan hơn một chút so với tỷ lệ tương ứng 61,2% – 25,2% – 12,6% của năm 2019).
Theo nhận định của các TCTD, tình hình kinh doanh trong quý 4/2020 đã có những khởi sắc sau 3 quý đầu năm chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19. 62% TCTD nhận định tình hình kinh doanh quý 4/2020 “cải thiện” hơn so với quý 3/2020 (cao hơn tỷ lệ 55% của quý trước), số TCTD nhận định tình hình kinh doanh quý này “suy giảm” cũng giảm đáng kể xuống còn 12,4% so với tỷ lệ 21,3% của quý 3/2020.
Đánh giá tổng thể năm 2020, chỉ số cân bằng đạt 17,6%, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay, cho thấy năm 2020 là năm có tình hình kinh doanh khó khăn nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Dự kiến trong thời gian tới, có 66,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong quý 1/2021 cải thiện hơn so với quý 4/2020 và 81% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh trong năm 2021 cải thiện hơn so với năm 2020. Chỉ số cân bằng đạt 51,4%, ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay cho thấy các TCTD vẫn còn quan ngại về những khó khăn trong năm 2021 do tác động tiêu cực trong thời kỳ hậu Covid-19.
Kết quả điều tra cho thấy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tổng thể của năm 2020 ở mức thấp hơn so với năm 2019 do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và do hệ thống TCTD đã chủ động giảm giá bình quân sản phẩm dịch vụ để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân. Dự kiến đến cuối năm 2021, hầu hết các nhóm TCTD đều kỳ vọng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi và tăng trưởng khá so với năm 2020.
Đánh giá tổng thể cả năm 2020, các TCTD cho rằng nhân tố “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của đơn vị” có ảnh hưởng tích cực quan trọng nhất giúp cải thiện tình hình kinh doanh của đơn vị (69,2% TCTD lựa chọn) và 68% TCTD cho biết tổng thể các nhân tố chủ quan giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của đơn vị.
Khác với kết quả điều tra quý 3/2020, tại cuộc điều tra này, các TCTD đánh giá trong quý 4/2020 các nhân tố khách quan có tác động tích cực hơn đến tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng so với quý trước là “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” (trên 50% TCTD lựa chọn) và trong năm 2021 (trên 70% TCTD lựa chọn).