Anh Linh, nhân viên Sàn bất động sản Tây Phát (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sau Tết khi đi làm lại đội của anh vừa sắm thêm một số thiết bị như máy quay, phông xanh,… và nâng cấp máy tính để dựng video bán hàng cho dự án đang chạy đăng lên kênh youtube cũng như chia sẻ lên fanpage facebook và zalo.
Cũng như trường hợp của anh Linh, việc các Sàn giao dịch và bản thân các môi giới bất động sản cũng đang liên tục “tự nâng cấp” để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong bối cảnh dịch bệnh. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát lần thứ nhất vào năm 2020, khi phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội thì các hoạt động livestream giới thiệu bất động sản trực tuyến tư vấn khách hàng qua mạng ngày càng trở nên phổ biến.
Theo chia sẻ của chính lãnh đạo các Sàn bất động sản thì online chính là từ khóa cho tương lai của ngành môi giới bất động sản, việc các Sàn thiết kế ra những trường quay ảo mini, mỗi nhân viên có thể vừa quay, vừa dựng video, khi có khách kết nối thì tư vấn luôn, tất cả trong một.
Nhận định về xu hướng trên, đại diện Sàn Hải Phát Land cho rằng dù vẫn phải thừa nhận bất động sản là sản phẩm đặc thù, khách hàng cần rất nhiều thông tin để quyết định như về pháp lý, quy trình giao dịch và đây là mặt hàng có giá trị lớn cũng như thói quen của khách hàng nhưng hiện nay việc bán hàng online sau thời gian đầu gặp nhiều khó khăn thì đến nay khi đã bước sang “năm covid thứ hai” thì đang có những tiến triển, khách hàng cũng dần hình thành thói quen tốt hơn.
Thực tế cho thấy, đối với thị trường bất động sản kênh online chủ yếu là vẫn là để cung cấp thông tin, giải đáp thắc mắc ban đầu cho các khách hàng còn việc chốt mua cần phải có sự tư vấn sâu hơn giữa khách hàng và người môi giới. Do đó, các Sàn hiện đang duy trì song song 2 hình thức online và trực tiếp cũng như ngày càng chú trọng cho kênh online để có “data” khách hàng.