Sau siêu dự án 15.000ha, Công ty Nam Miền Trung tiếp tục đề xuất lập quy hoạch khu đô thị du lịch 335ha tại Lâm Đồng

Sau siêu dự án 15.000ha, Công ty Nam Miền Trung tiếp tục đề xuất lập quy hoạch khu đô thị du lịch 335ha tại Lâm Đồng

Theo đó, Sở Xây dựng đề nghị các Sở, ngành, địa phương có ý kiến đối với đề xuất của Công ty về đề xuất tài trợ nghiên cứu, khảo sát và lập đồ án nghiên cứu quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu đô thị du lịch Liên Nghĩa, Đức Trọng với diện tích 355 ha.

Cụ thể, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh có ý kiến về sự phù hợp của phạm vi, ranh giới khu vực đề xuất; các dự án đầu tư trong khu vực đề xuất; ý kiến khác (nếu có).

Đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phạm vi, ranh giới khu vực đề xuất.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến về sự phù hợp với quy hoạch chuyên ngành; định hướng phát triển ngành dịch vụ, du lịch tại huyện Đức Trọng.

Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND huyện Đức Trọng có ý kiến về sự phù hợp của phạm vi, ranh giới khu vực đề xuất; tình hình thực tế và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương; ý kiến khác (nếu có).

Trước đó, ngày 28/01/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 727/UBND-QH ngày 28/01/2022 chỉ đạo xử lý về việc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nam Miền Trung Lâm Đồng đề xuất nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch phân khu 1/2000 khu đô thị du lịch (diện tích khoảng 335 ha) tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.

Trước đó, Liên danh Công ty cổ phần Hưng Thịnh – Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả – Công ty cổ phần tập đoàn Nam Miền Trung Group vừa có đề xuất tài trợ lập quy hoạch, khảo sát và nghiên cứu khu đất diện tích khoảng 15.000ha thuộc huyện Lâm Hà.

Phạm vi 15.000ha liên danh đề xuất được xác định bao gồm thị trấn Nam Ban, các xã Mê Linh, Đông Thanh, Nam Hà, Gia Lâm, Phi Tô, huyện Lâm Hà và một phần thuộc xã Bình Thạnh, Hiệp Thạnh và Liên Hiệp, huyện Đức Trọng.

Theo đề xuất, đây sẽ là khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng”. Trong đó nổi bật là đô thị kết hợp với khoa học – giáo dục, đô thị hành chính, đô thị nông nghiệp kỹ thuật cao, đô thị sáng tạo, đô thị kết hợp sinh thái – dịch vụ.