Chia sẻ với VnEconomy ngày 10/3, đại diện các doanh nghiệp viễn thông cho biết, dự kiến trong quý 2/2021 nhà mạng sẽ chính thức cung cấp dịch vụ Mobile Money ra thị trường.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT (thuộc Tập đoàn VNPT, và là đơn vị triển khai dịch vụ Mobile Money của VNPT) cho biết, sau khi Thủ tướng chính thức phê duyệt Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money), nhà mạng sẽ phải chuẩn bị hồ sơ xin thử nghiệm dịch vụ Mobile Money để gửi Ngân hàng Nhà nước.
Sau đó Ngân hàng Nhà nước xem xét, lấy ý kiến các bộ ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, rồi mới có quyết định đồng ý cấp phép thử nghiệm cho nhà mạng. Khi đó doanh nghiệp viễn thông mới bắt đầu được triển khai dịch vụ.
Trong hồ sơ, nhà mạng sẽ lập toàn bộ các phương án về kỹ thuật, phương án quản lý, các quy trình nghiệp vụ,… căn cứ vào các quy định trong văn bản của Thủ tướng; thứ hai là đối chiếu vào những quy định, như trong lĩnh vực ngân hàng, viễn thông để đưa các các nội dung phù hợp.
Theo ông Sơn Hải, do chưa có quy chuẩn trong việc xây dựng hồ sơ, nên trong trường hợp thử nghiệm, số lượng nhà mạng không nhiều (dự kiến 3 nhà mạng gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone – PV) nên có thể các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước hay Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét trực tiếp từng bộ hồ sơ một. VNPT dự kiến tuần sau sẽ gửi hồ sơ xin thử nghiệm lên Ngân hàng Nhà nước.
“Với các quy trình như trên, hi vọng sang quý 2 cơ quan quản lý sẽ đồng ý cho nhà mạng thử nghiệm Mobile Money, khi đó với sự chuẩn bị trong suốt thời gian qua, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ này ra thị trường”, ông Nguyễn Sơn Hải chia sẻ.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone, ông Bùi Sơn Nam cho biết, căn cứ vào các quy định tại văn bản của Thủ tướng mới ban hành về định phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money, MobiFone sẽ rà soát lại đề án xin cấp phép tử nghiệm dịch vụ Mobile Money trước đó của nhà mạng để căn chỉnh, bổ sung những nội dung, phương án cho phù hợp nhất, tốt nhất (như các phương án về kỹ thuật, bảo mật, chống rủi ro…), sau đó sẽ gửi hồ sơ xin cấp phép thử nghiệm lên Ngân hàng Nhà nước.
“Dự kiến khoảng hai tuần nữa chúng tôi sẽ gửi hồ sơ”, vị phó tổng giám đốc MobiFone cho hay. Ông cũng cho biết MobiFone hiện đã chuẩn bị đầy đủ về hạ tầng kỹ thuật, đào tạo, huấn luyện cho bộ phần phụ trách về nạp thẻ, thanh toán (các merchant), giải pháp định danh và xác thực điện tử khách hàng (eKYC)…, khi cơ quan quản lý đồng ý cho triển khai thử nghiệm nhà mạng sẽ ngay lập tức cho khách hàng đăng ký và phát triển các merchant để chính thức cung cấp dịch vụ.
MobiFone dự kiến khoảng trong quý 2/2021 nhà mạng sẽ chính thức đưa dịch vụ Mobile Money đến tay người dùng, vị lãnh đạo MobiFone kỳ vọng.
Ở góc độ tiềm năng và kỳ vọng vào thị trường hoàn toàn mới mẻ này đối với các doanh nghiệp viễn thông, trước đó chia sẻ với VnEconomy, ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) cho biết, trong lộ trình phát triển của Viettel đối với dịch vụ Mobile Money là đến năm 2025, Viettel dự kiến có khoảng 26 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, trong đó riêng dịch vụ thanh toán (với các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) với mức chi tiêu trung bình qua kênh này là 300.000 đồng/thuê bao.
Và như vậy, theo tính toán, doanh thu trung bình một tháng đối với dịch vụ Mobile Money (chỉ riêng dịch vụ thanh toán) của Viettel vào năm 2025, theo tính toán mức chi tiêu trung bình như trên sẽ rơi vào khoảng 7.000 – 8.000 tỷ đồng.
Trong khi lãnh đạo một nhà mạng khác thì cho rằng, hạn mức giao dịch tối đa 10 triệu đồng/tháng/tài khoản Mobile Money cho tổng tất cả các giao dịch rút tiền, chuyển tiền và thanh toán.
Nếu hạn mức giao dịch dự kiến trên được giữ nguyên, giả sử chỉ cần 20-30% trong tổng số khoảng 130 triệu thuê bao điện thoại di động hiện nay sử dụng dịch vụ với hạn mức tối đa (10 triệu đồng) thì lượng tiền luân chuyển qua “kênh” Mobile Money này có thể lên tới hàng chục, hàng trăm nghìn tỷ đồng.