Tiềm năng lợi nhuận cao nhờ quản lý tốt chi phí
ACB công bố KQKD 9 tháng đầu năm 2020 khá ấn tượng. Lợi nhuận trước thuế đạt 6.411 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) hoàn thành 84% kế hoạch năm, riêng Q3/2020 đạt 2.592 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ) nhờ tín dụng tăng vững chắc, thu nhập phí tiếp tục tăng trưởng khả quan từ sự đóng góp của mảng hoạt động bancasurrance và thẻ trong khi chi phí hoạt động tiếp tục giảm. Chi phí dự phòng tiếp tục tăng từ mức nền thấp năm ngoái, tổng thu nhập hoạt động tăng tốt đi cùng đệm dự phòng dồi dào giúp rủi ro về lợi nhuận được hạn chế.
Trong bối cảnh Covid-19 gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch kinh doanh cả năm của hầu hết doanh nghiệp, ACB vẫn tạo được lợi nhuận nhờ nỗ lực quản lý tốt các chi phí. Những hoạt động liên quan đến quảng cáo, sự kiện trong và ngoài đều được ACB chủ động không thực hiện. Việc áp dụng công nghệ vào vận hành cũng góp phần giúp ACB tiết giảm chi phí.
Về chi phí cho nhân sự ACB, nguồn ngân sách xét tăng lương cho nhân viên năm 2020 sẽ được xem xét kỹ càng. Tuy nhiên, dù phải đối diện khó khăn do bối cảnh chung, việc ACB vẫn quyết định không cắt giảm nhân viên, không giảm lương đã giữ được nội lực, duy trì sự phát triển cần thiết cho ACB.
Từ những con số khả quan trên, giới đầu tư tin tưởng vào triển vọng lợi nhuận của ACB không chỉ trong Q4 mà còn lan tỏa sang giai đoạn 2021-2022. Các chuyên gia dự báo lợi nhuận trước thuế của ACB năm 2020 sẽ vượt kế hoạch sau khi nâng giả định tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ NIM, lãi thuần hợp đồng kinh doanh ngoại hối và lãi mua bán trái phiếu. Theo một công ty chứng khoán hàng đầu, dự phóng về lợi nhuận trước thuế của ACB giai đoạn 2019-2022 sẽ tăng với tốc độ gộp bình quân là 15,6%.
Kiểm soát tốt về chất lượng danh mục tín dụng
Trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ACB xác định việc đồng hành, chia sẻ khó khăn với khách hàng là ưu tiên, tuy nhiên sự chia sẻ đồng hành không đồng nghĩa việc ACB nới lỏng, hạ thấp điều kiện tín dụng vì điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, tính lành mạnh, an toàn của hệ thống.