Hành trình từ anh thợ bạc đến chuyên gia trong lĩnh vực in 3d .

Hành trình từ anh thợ bạc đến chuyên gia trong lĩnh vực in 3d .

Anh Bùi Thanh Quý luôn tự nhận mình chỉ là một anh thợ bạc đam mê công nghệ và luôn mày mò học hỏi dù rằng anh có 1 background về kinh nghiệm , thành tích khá ấn tượng : Anh từng trải qua các vị trí Giám đốc thiết kế hay quản lý sáng tạo tại các công ty tập đoàn hàng nghìn nhân viên như công ty VBDQ Phú Nhuận – PNJ hay công ty Design International của Pháp. Anh cũng từng thành công với các dự án, cuộc thi như đạt giải 3 cuộc thi sản phẩm kim hoàn toàn quốc SJC năm 2005 ( kinh phí do công ty Như Lam tài trợ ), giải Topaz cuộc thi thiết kế trang sức toàn quốc năm 2006. Anh cũng từng cùng với đội ngũ thợ của mình thực hiện thành công chai rượu Cognac Rồng Vàng gây tiếng vang với báo chí Pháp năm 2012 :

Hành trình với nghề kim hoàn của anh bắt đầu vào năm 1998 khi đang là sinh viên năm thứ 3 khoa Thương Mại tại ĐH Kinh Tế TPHCM nhưng lại quyết định rẽ ngang sang học nghề kim hoàn. Không những thế anh còn đánh liều, khăn gói quả mướp sang châu Âu học nghề kim hoàn. Sau 6 năm tu nghiệp về nghề kim hoàn và thiết kế trang sức tại Italia anh rời đất nước hình chiếc ủng và về làm việc tại quê nhà, bắt đầu với công việc thiết kế và tạo mẫu tại công ty PNJ vào năm 2004. Nhận thấy phương pháp tạo mẫu thủ công của nghề kim hoàn còn lạc hậu chưa theo kịp xu thế trên thế giới nên song song với công việc chính anh bắt đầu mày mò học hỏi để nâng cao kỹ năng thiết kế đồ họa và bắt đầu vận dụng công nghệ 3d vào sản xuất kim hoàn. Ban đầu chỉ là các dự án cải tiến máy CNC có sẵn rồi tiến đến tự lắp ráp máy CNC. Sau đó , khi công nghệ in 3d cao cấp từ mực resin lỏng bắt đầu chớm phát triển vào thời điểm những năm 2010 đến 201,5 thị trường lúc đó chỉ có những máy in 3d của Đức , Italia với giá cao ngất ngưởng . Anh Quý lại một lần nữa quyết định rẽ ngang , theo đuổi đam mê công nghệ và từ bỏ công việc đáng mơ ước với mức lương vài ngàn đô la/ tháng để về làm việc tại nhà và nghiên cứu lắp ráp máy in 3D công nghệ resin lỏng. Sau khi nghỉ việc, không có thu nhập ổn định lại lao đầu vào lĩnh vực quá mới không có trường lớp nào dạy kiến thức tổng hợp để sản xuất máy in 3d , anh phải tự mày mò, một mình nghiên cứu và thực hiện từng lĩnh vực như điện , điện tử , cơ khí lắp ráp, các thấu kính quang học cho projector và cả lập trình Arduino , Gcode… May mắn cũng mỉm cười với anh khi sản xuất thành công và được thị trường kim hoàn đón nhận dòng máy in 3d resin lỏng mang tên Q3D từ bắc chí nam và lấn sân sang cả thị trường Campuchia. Đặc biệt dòng máy Q3d thế hệ thứ 3 đã có những thời điểm cạnh tranh sòng phẳng và đẩy lùi các dòng máy sản xuất bởi Thái lan tại thị trường Phnompenh.

Dù đã đạt được một số thành công nhất định với thu nhập tương xứng với cố gắng nhưng một lần nữa anh Quý lại mang nhiều trăn trở khi rất nhiều anh em bạn bè nghề kim hoàn rất cần máy với giá rẻ hơn nhưng do máy lắp ráp tại cơ sở mang tính nhỏ lẻ , linh kiện mua từng lô nhỏ chưa tối ưu về giá đầu vào dẫn đến máy in 3d độ phân giải cao cho ngành kim hoàn vẫn còn là một công cụ ngoài tầm với cho phần lớn cộng đồng thợ kim hoàn. Thế là từ mô hình sản xuất, lắp ráp nhỏ lẻ anh Quý chuyển sang hợp tác phát triển sản phẩm và phân phối máy in 3d của hãng Flashforge, hãng sản xuất máy in 3d thuộc top đầu của đất nước tỷ dân.
Chiến lược này mang đến hiệu quả ngay tức khắc khi các dòng máy in 3d mang tên Hunter DLP chất lượng cao giá thành khiêm tốn được thị trường đón nhận mạnh mẽ. Đến nay, công ty Thành Công của anh Quý đã mang đến cho cộng đồng thợ kim hoàn và các labo nha khoa Việt Nam gần 1.000 máy in 3d công nghệ cao. Sự có mặt của các dòng máy giá mềm đã góp một phần nhỏ vào sự phát triển chung của ngành kim hoàn . Khoảng cách về công nghệ kim hoàn của chúng ta so với các nước phương Tây đã thu hẹp rõ rệt.

 

Ở khía cạnh công việc mới, tuy không còn tự sản xuất máy in 3d nhưng anh Quý vẫn giữ nguyên ngọn lửa đam mê đó chính là mày mò nghiên cứu để tối ưu hóa ứng dụng của máy in 3d trong sản xuất. Bản thân công việc vận hành máy in 3d cũng đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm , ví dụ như cách lựa chọn dung sai khi xuất file in , cách lựa chọn độ dày lớp in , thời gian cơ sở của lớp in , thời gian tạo đế cho mẫu in, tốc độ , gia tốc nâng hạ trục Z …
Hiện nay , trên thị trường có cả 1 rừng các loại máy in với hàng trăm loại mực in resin. Anh Quý thường hay bị bạn bè gán cho biệt danh là “thư viện sống” của các thông số kỹ thuật in 3d. Khi được yêu cầu tư vấn dù là khách hàng hay không phải là khách hàng anh đều sẵn lòng chia sẻ ngay các thông số đúng hoặc gần đúng để in mẫu 3d thành công. Anh nói : “ Tôi luôn sẵn lòng chia sẻ mọi kiến thức về công nghệ in 3d với bất kỳ ai dù là khách hàng hay không , từ các đồng nghiệp có kinh nghiệm cho đến các bạn sinh viên mới vào nghề thông qua các buổi tọa đàm trực tuyến. Tôi rất mong có thể tiếp tục truyền lửa đam mê này đến các thế hệ kế cận thông qua việc tài trợ máy in 3D cho các khoa thiết kế đồ họa , thiết kế trang sức của các trường đại học. Vì đây chính là công nghệ của hiện tại và tương lai , đây chính là cách để Việt Nam đi tắt đón đầu so với thế giới.
Sau gần 25 năm làm nghề tôi vẫn luôn mày mò , tiếp tục học hỏi vì với lãnh vực tạo hình 3d kỹ thuật số này kiến thức của tôi vẫn còn là hạn hẹp , chỉ có đam mê của tôi là vô tận.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.