Đây là kết quả một cuộc khảo sát do công ty cung cấp dịch vụ tài chính trọng điểm tài sản kỹ thuật số, Fidelity Digital Assets, mới công bố.
Tiến hành từ tháng 12/2020 đến tháng 4/2021, cuộc khảo sát được thực hiện với trên 1.100 cuộc phỏng vấn trực tuyến và qua điện thoại của các chuyên gia đại diện cho nhiều cá nhân có giá trị đầu tư ròng ở mức cao và là đại diện của các tổ chức đầu tư ở Mỹ, Châu Âu và Châu Á.
Kết quả khảo sát của Fidelity cho thấy, có 44% số người được hỏi cho hay các điều kiện thị trường năm 2020 đã giúp tăng cơ hội đầu tư vào tài sản kỹ thuật số, và cho rằng thị trường tiền điện tử có nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới.
Có ý kiến cho rằng thế giới tràn ngập tiền mặt và lãi suất siêu thấp đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến những loại tài sản còn đắt đỏ hơn. Kết quả một cuộc khảo sát khác do công ty The Harris Poll thực hiện với hơn 1.000 người trưởng thành ở Mỹ cho thấy khoảng 15% người tham gia khảo sát nhận được các khoản tiền hỗ trợ Covid-19 của chính phủ trong hai gói kích thích đầu tiên đã đầu tư một phần hoặc toàn bộ số tiền này. Và khoảng một nửa số tiền đầu tư này được “rót” vào tiền điện tử.
Ở châu Âu, trong số các nhà đầu tư tham gia khảo sát, tỷ lệ những ngời có phân bổ danh mục đầu tư cho tài sản kỹ thuật số đã tăng từ 45% vào năm 2020 lên 56% trong năm nay, tương đương tăng 11 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, năm nay là năm thứ hai liên tiếp các nhà đầu tư châu Âu tham gia cuộc khảo sát đã chứng tỏ xu hướng sử dụng tài sản kỹ thuật số nhiều hơn so với các đối tác Mỹ.
Các khoản đầu tư vào tài sản kỹ thuật số ở Mỹ “cũng tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng, với mức tăng 6 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát năm 2020 lên 33%.
Châu Á có tỷ lệ chấp nhận tiền kỹ thuật số cao nhất, với 71% nhà đầu tư được khảo sát cho biết hiện đang đầu tư vào tài sản kỹ thuật số,” báo cáo kết quả khảo sát của Fidelity Digital Assets cho thấy.
Khoảng 18% người Mỹ được hỏi cho biết họ đã mua hoặc đầu tư vào tài sản kỹ thuật số thông qua một sản phẩm đầu tư trong năm nay, so với 8% vào năm 2020.
“Sự gia tăng chấp nhận (tiền điện tử) thông qua các sản phẩm đầu tư được hỗ trợ tích cực bởi sự gia tăng số lượng các sản phẩm đầu tư tín thác có sự bảo đảm của nhà nước ở Mỹ, song song với hàng loạt các quỹ tư nhân phát hành các dịch vụ này trong năm vừa qua”, báo cáo của Fidelity Digital Assets cho biết.
Các nhà đầu tư châu Âu ngày càng thể hiện việc thích mua trực tiếp tài sản kỹ thuật số, với 41% những người được khảo sát cho hay họ đầu tư theo cách này, so với 29% vào năm 2020; tỷ lệ phân bổ đầu tư cho các sản phẩm kỹ thuật số cũng tăng lên 29% so với 14% cùng kỳ năm ngoái.
Ở châu Á, 52% nhà đầu tư được khảo sát chia sẻ rằng họ đã mua tài sản kỹ thuật số trực tiếp, trong khi 39% cho hay đã phân bổ tài sản kỹ thuật số của mình thông qua một sản phẩm đầu tư, theo Fidelity Digital Assets.
Các nhà đầu tư ở “Mỹ có vẻ tụt hậu so với châu Âu và châu Á trong các khoản đầu tư trực tiếp, với chỉ 21% nhà đầu tư được khảo sát sở hữu bitcoin trong danh mục đầu tư, so với 46% và 45% ở châu Âu và châu Á”.