Wang Xing là nhà sáng lập ứng dụng giao đồ ăn Meituan của Trung Quốc. Anh được coi là một trong những doanh nhân thành công khi tạo dựng được 3 công ty khởi nghiệp internet trong 3 lĩnh vực khác nhau trước khi nó trở nên thịnh hành tại Trung Quốc.
Điều đặc biệt đó là, cả 3 công ty này đều được Xing bắt chước theo mô hình của những hãng thành công tại Mỹ. Trong bài phỏng vấn mới đây với tờ Caijing của Trung Quốc, Xang nói rằng anh không hối tiếc bất kỳ điều gì.
“Nghiệp copy”
Trong năm 2003, do nhìn thấy trước sự phát triển của mạng xã hội tại Mỹ, Xing đã ngay lập tức cho rằng Trung Quốc cũng cần có một thứ tương tự như vậy. Nỗ lực đầu tiên của anh là sản phẩm nhái theo Friendster nhưng rất tiếc đã không tồn tại lâu.
Tuy nhiên, website tiếp theo được thành lập vào năm 2005 được gọi là Xiaonei đã đạt được những thành công đáng kể. Có lẽ không phải tình cờ, nhưng Xiaonei được nhận xét là “giống hệt” mạng xã hội Facebook. Thời điểm này, Facebook chưa bị cấm tại Trung Quốc (đến năm 2009 chính phủ nước này mới cấm Facebook) vì vậy, thị trường mạng xã hội chỉ có 2 đối thủ cạnh tranh duy nhất.
Rất nhanh chóng, Xiaonei đã trở thành mạng xã hội mặc định tại Trung Quốc. Tuy nhiên đáng tiếc cuối cùng Wang Xing buộc phải bán “đứa con tinh thần” này bởi anh không có đủ tiềm lực tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh, nhất là sau khi lượng người dùng ngày một tăng. Cuối cùng, Xiaonei được đổi tên thành Renren và hiện vẫn là một trong những công ty internet hàng đầu tại Trung Quốc.
Công ty tiếp theo của Xing cung cấp dịch vụ blog có tên Fanfou được nhận xét là “na ná” với Twitter. Ngoài ra, logo của Fanfou là hình một đứa bé trên nền màu xanh, rất giống với hình chú chim xanh nổi tiếng của Twitter. Cũng rất nhanh chóng, Fanfou trở thành một trong những trang blog lớn đầu tiên của Trung Quốc.
Đáng tiếc, một lần nữa, vì không có sự chuẩn bị cần thiết cho việc mở rộng hoạt động công ty, Xing lại buộc phải đóng cửa do những quy định của chính phủ. Dù sau đó Fanfou đã được cấp phép hoạt động trở lại nhưng thời điểm này những trang blog nổi tiếng như Sina hay Weibo đã hoạt động rộng khắp và chiếm lĩnh thị trường.
Vì vậy, Wang Xing tiếp tục tìm kiếm và sao chép một dịch vụ khác. Thời gian này, thành công của Groupon được nhắc đến nhiều và ngay lập tức anh cho ra đời sản phẩm tương tự có tên Meituan (một website hoạt động theo mô hình mua theo nhóm). Mãi đến mảng kinh doanh này, Wang Xing mới “trúng số độc đắc”. Sau đó vài năm, Xing tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, biến Meituan trở thành công ty giao đồ ăn, tương tự như dịch vụ Uber Eat ở Mỹ. Meituan hiện là một trong những công ty khởi nghiệp huy động được vốn nhiều nhất tại Trung Quốc và là đơn vị dẫn đầu trong thị trường giao đồ ăn.
Dĩ nhiên, cách thức tiếp cận kinh doanh của Xing không phổ biến với các công ty Mỹ. Thực tế, nó cũng không hoàn toàn được đón nhận ngay cả trong giới công nghệ cao tại Trung Quốc. Thậm chí, CEO của Qihoo 360 là Zhou Hongyi thẳng thắn nhận xét: Wang Xing “chỉ biết sao chép”. Anh ta, với ít nhất một vài người, là mẫu nhà sáng lập lười biếng, chuyên đi sao chép trong giới khởi nghiệp Trung Quốc.
Tầm quan trọng của sự chọn lựa
Tuy nhiên, Wang Xing hoàn toàn không bận tâm đến những lời chỉ trích kể trên. “Tôi thừa nhận cải tiến đột phá là yếu tố rất cần thiết, tuy nhiên đưa ra một chọn lựa đúng đắn còn quan trọng hơn”. Đó cũng chính là quan điểm mà Wang luôn tuân theo. Thay vì phát minh ra chiếc bánh xe mới, Xing cố gắng hoàn thiện nó. Với Meituan cũng vậy, trong khi các công ty khác mở rộng hoạt động, mạnh tay chi tiền cho quảng cáo và thoả thuận độc quyền với những thương hiệu đặc biệt thì Wang Xing nói rằng anh quan tâm tới phần IT với mục đích đảm bảo cung cấp trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Với bước tiếp cận như vậy, cuối cùng Xing đã thành công trong việc đưa công ty anh trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực mua chung và sau đó là giao đồ ăn. Thời kỳ đỉnh điểm, đã có tới hơn 5.000 công ty khởi nghiệp cố gắng để cạnh tranh với Meituan. Ngoài ra cũng nhờ hướng tiếp cận này, công ty của Xing đã vượt qua được thời kỳ khó khăn khi hàng ngàn công ty khởi nghiệp phải đóng cửa.
Có thể cách tiếp cận của Xing không phải là phương thức mà các doanh nhân mong muốn. Nhất là khi trong thời gian đầu, nhiều sản phẩm của anh đã sao chép trắng trợn và gần như giống hoàn toàn. Tuy nhiên, sáng tạo không phải lúc nào cũng là yếu tố cần thiết để tạo nên thành công. Biết cách sao chép, khi nào nên sao chép và làm thế nào để mang lại hiệu quả mới là yếu tố quan trọng. Thực tế Wang Xing đã nhiều lần chứng minh rằng anh ấy có kỹ năng sao chép tốt hơn hầu hết những người khác trong giới kinh doanh.
Wang nói rằng: “Hãy cứ coi thường nếu bạn muốn như vậy. Tôi sẽ chẳng bao giờ bận tâm”. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao lại phải coi thường anh ấy, người đã tạo ra hàng loạt công ty khởi nghiệp thành công tại Trung Quốc, cung cấp cho khách hàng một website mua chung thú vị hơn bất kỳ công ty nào khác?
Theo: Techinasia