Cách tạo ra dòng tiền trong khủng hoảng dịch bệnh

Cách tạo ra dòng tiền trong khủng hoảng dịch bệnh

Trong thời gian qua, những dự đoán về thời gian các doanh nghiệp có khả năng trụ được trong mùa dịch Covid-19 liên tục được đưa ra, có doanh nghiệp trên sáu tháng, một năm nhưng cũng có những doanh nghiệp dưới ba tháng.

Theo ông Dương Hải, Phó chủ tịch Câu lạc bộ giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO), những dự đoán về khả năng sống sót của doanh nghiệp thường dựa vào thước đo dòng tiền, như nhận định của nhiều chuyên gia khác, tiền mặt là vua trong thời khủng hoảng.

Ông Hải cho rằng, doanh nghiệp nào có thể dừng lại trước “cám dỗ” mỗi khi đứng trước một quyết định đầu tư để giữ tiền trong tài khoản với đồng tiền sinh lời khiêm tốn ở thời gian trước dịch thì lại có thể phát huy trong thời gian dịch bệnh và suy thoái này. Có tiền mới tồn tại, mở rộng đầu tư, tiến hành sáp nhập doanh nghiệp khác trong thời điểm này.

Theo một khảo sát mới đây của Hiệp hội Kế toán và công chứng Anh (ACCA) trên hơn 10.000 chuyên gia tài chính toàn cầu, các tổ chức dù ở quy mô lớn hay nhỏ, ở khu vực công hay tư, đều quan ngại về tác động của dịch Covid-19 đối với người lao động, năng suất và dòng tiền. Những tác động nặng nề nhất là khó khăn của dòng tiền ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Trong điều kiện nhiều nước công bố các gói hỗ trợ của Chính phủ , hầu hết những người tham gia khảo sát đều trả lời còn quá sớm để khẳng định tính hiệu quả của các gói hỗ trợ này.

Đáng chú ý, gần một nửa trong số gần 300 chuyên gia tài chính ở Việt Nam được khảo sát cho biết gặp khó khăn về dòng tiền, 71% doanh nghiệp có thể đưa ra dự báo tài chính tương lai trong điều kiện diễn biến dịch bệnh khó lường.

Theo ACCA, thách thức cũng lồng ghép với cơ hội kinh doanh. Về thách thức, tất nhiều doanh nghiệp trên thế giới cho biết không đáp ứng được thời hạn báo cáo và chịu áp lực hoàn thành dịch vụ khách hàng trong thời gian cao điểm do vấn đề di chuyển của nhân viên tương ứng; rủi to kiểm toán gia tăng liên quan đến định giá tài sản, tính đầy đủ của nợ phải trả và các vấn đề liên quan.

Tuy nhiên, ông Sharath Martin, chuyên gia tư vấn về chính sách của ACCA tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tác động của Covid-19 và giải pháp: Thay đổi cuộc chơi của doanh nghiệp Việt Nam” cho biết, khối doanh nghiệp dịch vụ kiểm toán và tư vấn có cơ hội lớn, đặc biệt những doanh nghiệp đã đầu tư vào dịch vụ chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, ACCA, VCFO cùng các tổ chức đối tác đưa ra quy tắc “3 chữ A” để quản lý khủng hoảng gồm Act (hành động) để phản ứng lại một cách bền vững và tập trung vào nhân viên và các bên liên quan; Analyse (phân tích) các nguồn thông tin khác nhau để bảo vệ tổ chức mình; Anticipate (dự tính) các tác động đối với hoạt động sản xuất kinh doanh và xu hướng trong tương lai.

Theo ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, các doanh nghiệp nên có riêng cho mình một cuốn cẩm nang (thường xuyên được điều chỉnh một cách hợp lý) để sẵn sàng phương án cho các tình huống có thể xảy ra dựa trên việc linh hoạt và coi trọng công tác dự báo.