Mấy chục năm gần đây, các nước Ả Rập giàu dầu mỏ đã mắc kẹt trong thế bí. Khi giá dầu lao dốc, họ cam kết sẽ thực hiện cải cách để nền kinh tế không còn phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ. Nhưng giá thấp cũng đồng nghĩa họ không có đủ nguồn lực để thực hiện những cuộc cải cách đắt đỏ. Sau đó khi sản lượng giảm, nhu cầu tăng và giá bắt đầu hồi phục, ngân khố quốc gia lại dồi dào và áp lực cải cách biến mất.
Tuy nhiên giờ đây một số quan chức đang tự hỏi liệu có phải vòng luẩn quẩn này sẽ sớm kết thúc, khiến các nước không thể trốn tránh cải cách được nữa. Nhu cầu sụt giảm do tác động của Covid-19 đã khiến giá dầu thô giảm xuống còn 21 USD/thùng hồi đầu năm nay. Giá sẽ hồi phục chút ít trong năm 2021, có lẽ có thể vượt qua ngưỡng 50 USD nhưng khó tăng thêm được nữa. Hầu hết các nước Trung Đông vẫn không thể cân đối ngân sách.
Saudi Arabia, nước sản xuất dầu lớn nhất trong khu vực, sẽ phải quyết liệt hơn trong việc tìm kiếm nguồn thu ngoài dầu mỏ. Năm ngoái nước này đã tăng thuế giá trị lên 15% với hi vọng đó chỉ là biện pháp tạm thời nhưng đáng tiếc thực tế cho thấy không phải như vậy. Và dù tăng thuế nhưng thâm hụt ngân sách vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Dù các nhà thầu lỡ hẹn thanh toán cho nhiều dự án công, nước này vẫn tiếp tục triển khai các siêu dự án, ví dụ như Neom (thành phố công nghệ cao quy mô 500 tỷ USD nằm ở vùng sa mạc phía Tây Bắc) hay 1 khu resort ở Biển Đỏ với diện tích lớn hơn cả một số quốc gia châu Âu.
Trong khi đó nếu bạn lái xe dạo quanh Dubai vào buổi tối sẽ nhìn thấy nhiều tòa nhà và villa tối thui và trống trơn vì không có người ở. Theo dự báo UAE sẽ mất đi khoảng 1 triệu người nhập cư, tương đương 1/10 dân số. Một số sẽ quay trở về quê nhà trong khi một số khác cố bám trụ, để người thân về quê nhà và họ vẫn ở lại, thuê căn hộ nhỏ hơn để cắt giảm chi phí.
Các dự án mới còn khiến giá bất động sản giảm sâu hơn nữa sau khi đã giảm 10% kể từ đầu năm đến nay.
Kuwait có thể tìm đến thị trường trái phiếu để bù đắp thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ lên đến 15% GDP, khiến các thế hệ sau phải gánh nhiều nợ hơn. Bahrain và Oman – vốn đang bị xếp hạng trái phiếu rác – sẽ khó đi vay mượn hơn.
Bên ngoài vùng Vịnh, Iraq dự tính cắt giảm chi tiêu để trang trải chi phí tiền lương đang phình to. Dự trữ ngoại hối của Algeria – đã ở mức rất ấn tượng 200 tỷ USD trong năm 2014 – sẽ giảm xuống dưới 40 tỷ USD.
Trong ngắn hạn không có yếu tố nào có lợi cho các quốc gia Trung Đông. Nhu cầu về dầu mỏ vẫn rất yếu. Về phía nguồn cung, các thành viên OPEC+ được dự báo sẽ tiếp tục tăng sản lượng để giành giật thị phần. Chính sách với Iran của Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ khiến thị trường thêm dư cung. Các quốc vương và bộ trưởng dầu mỏ cuối cùng cũng phải nhận ra rằng tái cấu trúc nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi, thậm chí họ còn phải tự hỏi giờ đã là quá muộn hay chưa.
Tham khảo The Economist