Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã quyết định giảm một loạt lãi suất điều hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, có hiệu lực từ ngày 17/3.
Theo chuyên gia tài chính Bùi Quang Tín, khi ngân hàng Trung ương các nước hạ lãi suất điều hành tạo áp lực rất lớn cho ngân hàng nhà nước (NHNN), do đó Việt Nam cũng phải hạ lãi suất. Mặt khác, việc hạ lãi suất điều hành vẫn là một trong những công cụ của NHNN để tác động đến nền kinh tế, mặc dù nhu cầu của doanh nghiệp có thể cần nhiều yếu tố khác để tồn tại và phát triển, nhưng trước mắt NHNN vẫn phải làm hết sức trong khả năng.
Cũng theo LS.TS. Bùi Quang Tín chia sẻ, tác động của việc giảm lãi suất điều hành của NHNN lần này là mang tính dài hạn và chủ yếu tác động đến những khoản vay mới. Đồng thời, mục tiêu lớn nhất là làm giảm lãi suất của thị trường liên ngân hàng, giảm lãi suất tái chiết khấu, lãi suất tái cấp vốn và đặc biệt là giảm lãi suất giao dịch trên thị trường mở trong thời gian tới. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đang chờ các động tác mạnh mẽ hơn nữa từ phía các NH thương mại. Bởi lẽ, trên thực tế, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay nhu cầu về vốn rất yếu, các hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phát triển chậm, thậm chí là nhiều doanh nghiệp còn đang chờ có hội mới để phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là chờ các gói kích thích mới của Chính phủ, và chờ tình hình dịch bệnh Covid-19 lần này kiểm soát tốt hơn.
“Động thái của NHNN đã hỗ trợ rất lớn về dòng tiền, nhất là thanh khoản trên thị trường cho các doanh nghiệp. Mặc dù doanh nghiệp chỉ hưởng lợi đối với các khoản vay mới, tuy nhiên vẫn hi vọng lãi suất cho vay trong thời gian tới sẽ giảm đi”- ông nói.
Còn riêng đối với các Hợp đồng (HĐ) vay cũ, theo ông Tín, rất khó để NH hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, vì các HĐ vay vốn cũ thường là sự thỏa thuận và cam kết ký trên HĐ giữa bên doanh nghiệp đi vay vốn và NH thương mại cho nên việc hỗ trợ như: giảm lãi suất cho vay, hay khoanh nợ, giãn nợ, tái cơ cấu lại thời gian trả nợ thế nào thì còn phụ thuộc vào phía các NH thương mại và NHNN, chỉ trừ trường hợp đối với những lĩnh vực mà các doanh nghiệp, khách hàng đã chứng minh được thiệt hại của họ từ Covid-19 vừa qua. Và sự hỗ trợ này cũng phải tùy theo từng hồ sơ, cụ thể phía NH thương mại và NHNN sẽ xem xét, đánh giá từng hồ sơ một.
Chính vì thế, chuyên gia Bùi Quang Tín cho rằng, bản thân các doanh nghiệp để tiếp cận vốn trong thời gian tới, nhất là đối với những khoản vay cũ, nếu như các doanh nghiệp này muốn được hệ thống NH hỗ trợ thì cần phải có những bằng chứng, chứng cứ để chứng minh rằng sự thiệt hại của đại dịch Covid -19 vừa qua đã ảnh hưởng và tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ như thế nào.