Câu chuyện ‘Nhật hóa’ kinh điển của Kitkat: Là hàng ngoại nhưng đánh bại được bánh gạo, ung dung trở thành đặc sản Nhật Bản

Câu chuyện ‘Nhật hóa’ kinh điển của Kitkat: Là hàng ngoại nhưng đánh bại được bánh gạo, ung dung trở thành đặc sản Nhật Bản

Thông thường, những sản phẩm bánh kẹo như Kit Kat luôn được du khách ưa chuộng và mọi người có thể dễ dàng thấy những shop bán hàng lưu niệm bày bán sản phẩm này trong những hộp quà trang trí ở khắp các trạm tàu Tokyo hay sân bay. Tất nhiên những thương hiệu bánh kẹo khác cũng được bày bán nhưng chưa có một sản phẩm nào phổ biến cũng như được biến tấu đa dạng về hương vị, màu sắc, thiết kế như Kit Kat.

Tuy vậy, có lẽ nhiều du khách không biết rằng Kit Kat không phải thương hiệu của Nhật Bản. Chúng được phát minh tại Anh và hiện được phân phối bởi tập đoàn quốc tế Nestle, công ty bánh kẹo vốn cũng chẳng phải của Nhật Bản.

Thay thế đặc sản Nhật Bản

Lịch sử của Kit Kat có thể truy ngược về năm 1935 tại Anh khi hãng Rowntree giới thiệu dòng sản phẩm “Rowntree’s Chocolate Crisp” mới chuyên dùng cho các buổi tiệc trà chiều. Tuy nhiên phải đến năm 1937 loại bánh này mới được đặt tên là Kit Kat. Ban đầu, sản phẩm hướng tới tầng lớp lao động với giá bán thấp do tận dụng được những mẫu KitKat bị vỡ trong quá trình sản xuất để tái sử dụng thành nhân bánh.

Bước sang thập niên 1950, loại bánh này bắt đầu lan truyền sang những thị trường khác như Canada, Nam Phi, Ireland, Australia và New Zealand. Đến năm 1973, thương hiệu Kit Kat mới đến Nhật Bản và tiếp tục lan rộng ở hơn 100 quốc gia sau đó.

Vào năm 1988, Kit Kat được tập đoàn bánh kẹo khổng lồ Nestle mua lại.

Quay trở lại câu chuyện của Kit Kat tại Nhật Bản. Mặc dù bước vào thị trường này từ năm 1973 nhưng Kit Kat chỉ thực sự thành công từ thập niên 1990 bắt đầu từ đảo Hokkaido. Những nhân viên marketing của loại bánh kẹo này tin rằng các cửa hàng lưu niệm sẽ khiến sản phẩm mở rộng được tầm ảnh hưởng cũng như hình ảnh thương hiệu.

Trong thời gian này, Hokkaido là nơi có rất nhiều khách du lịch đến tham quan nhưng mặt hàng lưu niệm chủ yếu tại đây lại là bánh gạo, một sản phẩm dễ gây nhàm chán. Hòn đảo này cũng có bánh kẹo nhưng chưa có loại nào đại biểu được cho văn hóa địa phương.