Tp.HCM bổ sung nhiều tiêu chí phát triển nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp

Tp.HCM bổ sung nhiều tiêu chí phát triển nhà ở xã hội và nhà thương mại giá thấp

Theo đó, Tp.HCM sẽ bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động.

Trong đó đáng chú ý là nội dung bổ sung nhiều mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động đang sống trong các khu nhà trọ, các đối tượng đang sống trên, ven kênh rạch hoặc các khu nhà ở chưa đảm bảo về điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch Covid-19.

Chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đến năm 2025 là 23,5 m2/người (tính đến cuối tháng 6/2021, diện tích nhà ở bình quân đầu người của thành phố đạt 20,65m2/người).

Diện tích nhà ở tăng thêm trong giai đoạn 2021-2025 đối với nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng khoảng 31,98 triệu m2, nhà ở trong các dự án khoảng 15,52 triệu m2, nhà ở xã hội khoảng 2,5 triệu m2.

Để đảm bảo được các chỉ tiêu nói trên, giai đoạn 2021-2025, thành phố cần khoảng 800,9ha để xây dựng nhà ở thương mại và 173,5ha để xây dựng nhà ở xã hội. Về nguồn vốn, Tp.HCM cần khoảng 239.748 tỷ đồng để xây dựng nhà ở thương mại, 289.542 tỷ đồng để xây dựng nhà ở riêng lẻ do các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng và 37.693 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội.

Đối với khu vực nội thành hiện hữu (quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú), thành phố sẽ đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới, phát triển hạ tầng đồng bộ đặc biệt tại quận 4, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Thạnh là nơi có nhu cầu lớn về cải thiện, xây dựng mới nhà ở riêng lẻ; lập đồ án thiết kế đô thị tại quận 4, 10, Phú Nhuận để tạo cảnh quan mới; chấp thuận chủ trương để triển khai các dự án nhà ở mới đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển 2 dự án nhà ở xã hội phục vụ cho công nhân với quy mô khoảng 379 căn hộ.

Tại khu vực nội thành phát triển (gồm quận 7, Bình Tân, Tp. Thủ Đức), thành phố sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực gần các cụm, KCN để khuyến khích xã hội hóa, các hộ dân đầu tư xây dựng nhà trọ cho công nhân thuê; tập trung hoàn thiện các dự án dở dang, ưu tiên phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng dọc các trục giao thông công cộng lớn, các khu vực có tiến độ thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng.

Tại khu vực này, thành phố khuyến khích, đẩy mạnh phát triển các dự án nhà ở xã hội; trong đó khu vực quận 7, Bình Tân phát triển 5 dự án với quy mô 3.955 căn hộ, khu vực Thành phố Thủ Đức phát triển 5 dự án với quy mô 4.352 căn hộ.

Trong khi đó, đối với khu vực huyện ngoại thành (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ), thành phố sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất để quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp với thực tế, nhu cầu về nhà ở của người dân; đồng thời rà soát, thu hồi dự án chậm triển khai; phát triển các khu du lịch kế hợp sinh thái nghỉ dưỡng, khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh; kêu gọi đầu tư phát triển 8 dự án nhà ở xã hội với quy mô 9.594 căn.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM, giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở toàn thành phố tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn; trong đó, nhà ở do dân tự xây đóng vai trò chủ đạo (tăng 38,5 triệu m2 sàn), nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 (tăng 13,98 triệu m2 sàn), nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.