Malaysia là quốc gia sản xuất khoảng 65% số găng tay cao su trên toàn thế giới. Hiện tại, có 4 tỷ phú trong ngành này, bao gồm 2 cái tên mới được bổ sung vào năm nay. Thai Kim Sim của Supermax Corp. là cái tên mới nhất ra nhập hàng ngũ những người có tài sản ròng lớn hơn 1 tỷ USD. Giá cổ phiếu tăng mạnh giúp đưa tên Sim vào hàng ngũ những người giàu nhất thế giới.
Nhu cầu tăng vọt do đại dịch Covid-19 khiến giá cổ phiếu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ bảo hộ tăng đột biến. Trong khi đó, Malaysia là một trong những cái tên lớn của ngành này, giúp họ nhận được những lợi thế lớn. Top Glove Corp., công ty sản xuất găng tay lớn nhất thế giới và nhiều doanh nghiệp khác đều hưởng lợi.
Tuy nhiên, Supermax mới là cái tên bội thu nhất. Cổ phiếu của công ty này đã tăng gấp 5 lần kể từ khi dịch bùng phát. Điều này đẩy giá trị của nó lên cao đặc biệt. Cụ thể, tài sản của nhà sáng lập Supermax Thai Kim Sim đã tăng 394%. Tài sản Lim Wee Chai của Top Glove tăng 223%; Kuan Kam Hon sáng lập Hartalega trăng 113% trong khi Lim Kuang Sia của Kossan tăng 97%.
Giống với khẩu trang, găng tay đang trở thành “tiêu chuẩn” của bình thường mới khi mọi hoạt động hàng ngày đều sử dụng tới loại đồ dùng này để ngăn chặn virus lây lan. Nhu cầu sử dụng cao khiến găng tay mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các doanh nghiệp trong ngành này. Nó khiến cổ phiếu tăng giá mạnh.
Thai Kim Sim, người kiếm lời lớn nhất trong mùa dịch, bắt đầu kinh doanh găng tay cao su trước khi sản xuất loại sản phẩm này vào năm 1989. Đây là nhà sản xuất đầu tiên cho ra mắt thương hiệu găng tay cao su của riêng mình, Supermax, để đáp lại lời kêu gọi từ chính phủ về việc tạo ra các thương hiệu Malaysia. Công ty này đang xuất khẩu sang 160 quốc gia và đáp ứng 12% nhu cầu găng tay cao su toàn cầu.
Theo hồ sơ doanh nghiệp, Thai và các thành viên trong gia đình ông sở hữu trực tiếp 38% cổ phần của Supermax. Hiện tại, phía công ty từ chối bình luận về các vấn đề liên quan đến tài sản của nhà sáng lập.
Giống như giãn cách xã hội và kiểm tra thân nhiệt, đeo găng tay đang trở thành tiêu chuẩn mới trong đại dịch Covid-19, vốn làm 430.000 người chết trên toàn thế giới. Nhu cầu găng tay có thể tăng 11% lên 330 tỷ chiếc trong năm nay. 2/3 trong số đó đến từ các nhà sản xuất Malaysia.
Quốc gia Đông Nam Á này trở thành cường quốc găng tay vào năm 1980, khi nhu cầu với loại sản phẩm này bắt đầu gia tăng do đại dịch AIDS. Nhờ chi phí lao động thấp, các doanh nhân Malaysia có thể nhanh chóng mở doanh nghiệp sản xuất. Quốc gia này cũng có diện tích trồng cao su lớn cùng ngành công nghiệp dầu mỏ quy mô khiến họ có điều kiện sản xuất găng tay hàng loạt.
Toàn ngành công nghiệp găng tay của Malaysia đều có cú tăng trưởng vượt trội. Tuy nhiên, mức tăng 394% của Supermax là vô đối. Điều này biến nhà sáng lập Thai trở thành tỷ phú nhưng nó cũng gợi nhắc đến những bê bối của người đàn ông này. Năm 2007, Thai bị kết án 5 năm tù và phạt 5 triệu ringgit vì giao dịch nội gián liên quan đến APL Industries Bhd., một doanh nghiệp do Supermax kiểm soát nhưng bị hủy niêm yết năm 2009. Năm 2017, Thai kháng cáo.
Dẫu vậy, các chuyên gia mà Bloomberg khảo sát vẫn tiếp tục khuyến nghị nên mua vào hoặc giữ cổ phiếu Supermax. Không ai trong số các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư nên bán cổ phiếu này.