Nắm trong tay 3.400 tỷ USD, các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đang mua vào những gì?

Nắm trong tay 3.400 tỷ USD, các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đang mua vào những gì?

Đường ống dẫn dầu, khách sạn, cửa hàng tiện lợi và trái phiếu do các công ty ô tô phát hành là những tài sản mà các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới đang tìm kiếm trong bối cảnh kinh tế thế giới chao đảo vì dịch bệnh.

Sau nhiều cuộc phỏng vấn với các quỹ đầu tư quốc gia, quỹ hưu trí và quỹ quản lý tài sản trên khắp châu Á và châu Âu với tổng tài sản dưới quyền quản lý vào khoảng 3.400 tỷ USD, Bloomberg nhận thấy 1 bức tranh rất rõ ràng: nhiều quỹ tránh đầu tư vào thị trường chứng khoán đang tăng trưởng quá nóng.

Tâm lý chung của các quỹ là thận trọng. Họ đều nhận thức được rằng phần lớn đà hồi phục của thị trường đều là nhờ vào lãi suất siêu thấp, các gói kích thích khổng lồ của NHTW và các biện pháp hỗ trợ tài khóa của chính phủ.

Đánh giá mức định giá hiện nay vẫn đang quá cao, kể cả đối với một số ngành “hot” như y tế và công nghệ, nhiều quỹ vẫn đang đợi chờ cơ hội xuất hiện. Đó là khi thế giới bước vào 1 cú suy giảm thứ hai sau khi các biện pháp kích thích chấm dứt nhưng trước khi thế giới chế tạo thành công vaccine có thể áp dụng đại trà và cho phép nền kinh tế tái khởi động mà không khiến dịch bùng phát trở lại.

Dưới đây là những ý kiến nhận định của các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới hiện nay về những lĩnh vực mà họ đang nhắm đến.

Các cửa hàng tiện lợi, đường ống dẫn

GIC Pte, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, đang tìm đến những lĩnh vực “ít được ưa chuộng hơn”, từ bán lẻ cho đến cơ sở hạ tầng. Hiện đang quản lý khoảng 450 tỷ USD và là quỹ lớn thứ 6 thế giới, 2 thương vụ lớn nhất năm 2020 của GIC là cùng 1 nhóm nhà đầu tư thâu tóm 49% cổ phần ở ADNOC Gas Pipelines với giá 10,1 tỷ USD và tháng trước GIC cùng với tập đoàn bất động sản Charter Hall chi 500 triệu USD mua lại hơn 200 cửa hàng tiện lợi.

Giám đốc đầu tư Jeffrey Jaensubhakij cho biết kể cả những lĩnh vực như kinh doanh khách sạn, nơi lưu trú cũng có thể phục hồi trước khi du lịch toàn cầu hồi sinh. “Ngay sau khi virus đã được kiểm soát, du lịch nội địa sẽ hồi phục”.

Làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng

Didier Borowski, lãnh đạo của Amundi SA là quỹ quản lý tài sản lớn nhất châu Âu (quy mô khoảng 1.900 tỷ USD), nhận định các chính sách đóng cửa biên giới chỉ là tạm thời, hoạt động thương mại đang hồi phục dù chậm chạp.

Ông dự đoán ngành dược và ngành y tế sẽ chứng kiến làn sóng hoạt động sản xuất một số hàng hóa chủ chốt dịch chuyển để không bị quá phụ thuộc vào 1 quốc gia duy nhất. “Đây là hồi kết của toàn cầu hóa không kiểm soát chứ không phải là cái kết của toàn cầu hóa”, Borowski nói.

Xu hướng nghỉ dưỡng tại nhà

Trong khi các lệnh hạn chế di chuyển khiến các chuyến du lịch đều bị ảnh hưởng, có một xu hướng đang ngày càng nổi bật: staycation – những chuyến đi ngắn, kỳ nghỉ ngắn ngày không cần đi đâu xa hoặc kỳ nghỉ tại nhà.

Quỹ đầu tư Standard Life Aberdeen đã rót tiền vào Thule Group AB, công ty của Thụy Điển chuyên sản xuất giá đỡ xe đạp và phụ kiện chở đồ của xe hơi. Cổ phiếu Thule đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 3 đến nay.

“Thay vì ra nước ngoài để nghỉ dưỡng ở biển, giờ đây mọi người ở nhà và khám phá những địa điểm gần nơi họ sinh sống”, 1 lãnh đạo của quỹ nói. Ông cũng nhận định các cổ phiếu hàng không, ví dụ như Airbus, có thể “hồi phục rất mạnh” nếu thế giới có vaccine.

Trái phiếu

Trái phiếu là một trong những tài sản không được ưa thích nhất trong cuộc khủng hoảng Covid, theo Andrew McCaffery, CIO của Fidelity International, quỹ đầu tư đang quản lý khoảng 437 tỷ USD.

Tuy nhiên trái phiếu do các công ty ô tô phát hành lại đặc biệt hấp dẫn do ngành này đang tăng trưởng. Vì e ngại phương tiện giao thông công cộng đông đúc, nhiều người đã lựa chọn mua xe riêng.

Năng lượng sạch

Kể từ đầu năm đến nay, AustraianSuper, quỹ hưu trí lớn nhất Australia với tài sản khoảng 133 tỷ USD, đã phân bổ hơn một nửa danh mục vào cổ phiếu, giảm đầu tư vào bất động sản và các công ty tư nhân.

Giờ đây quỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành vận tải, cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật số. Đặc biệt quỹ muốn đổ tiền vào mảng năng lượng tái tạo, giống như thương vụ đầu tư 300 triệu USD vào Quinbrook Infrastructure Partners năm ngoái.

“Nằm im chờ thời”

CEO Raphael Arndt của quỹ đầu tư quốc gia Australia cho biết “không có áp lực nào buộc chúng tôi phải giải ngân, trừ khi cơ hội xuất hiện”.

Theo ông, các nền kinh tế trên toàn thế giới đang ở trong cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Giá tài sản không thay đổi mấy. Câu hỏi mà nhà đầu tư nên đưa ra điều đó có ý nghĩa gì không? Câu trả lời là có chỉ nếu như lãi suất vẫn ở mức gần 0 và các gói kích thích được duy trì trong thời gian rất dài. Nhưng rõ ràng không phải như vậy. Vì thế nên thận trọng ở thời điểm hiện tại.

Trung tâm dữ liệu

Vì hiện các cổ phiếu niêm yết đều ở mức quá cao so với giá trị thực, CIO Damian Graham của Aware Super chuyển sang các khoản đầu tư trực tiếp, ví dụ như đầu tư vào các trung tâm dữ liệu và tòa nhà chung cư. Ngược lại quỹ 91 tỷ USD đang bán ra một số tài sản được dự báo sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới vì mọi người thay đổi cách làm việc và mua sắm như tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại.

Tuần trước Aware Super đã đầu tư 100 triệu euro (tương đương 118 triệu USD) vào dự án xây dựng các căn hộ dịch vụ ở châu Âu.

Lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc

Mặc dù virus corona xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc, hiện đây cũng là nơi đầu tiên dần thoát khỏi dịch bệnh và được quỹ đầu tư công Temasek của Singapore đánh giá là điểm đến hấp dẫn.

Quỹ có quy mô 225 tỷ USD quan tâm đến các mảng fintech, công nghệ sinh học, khoa học cuộc sống, công nghệ tiêu dùng. Chiến lược gia trưởng Rohit Sipahimalan nhận định có lẽ Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất có GDP tăng trưởng dương trong năm 2020.

Tham khảo Bloomberg