Các ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như thế nào trong năm 2021?

Các ngân hàng đã hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như thế nào trong năm 2021?

2021 là năm nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, các ngân hàng đã thực hiện kịp thời vai trò cung ứng vốn, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại địch.

Trên cơ sở chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đẩy mạnh tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.

Số liệu của NHNN cho biết, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng (TCTD) đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7/2021 đến 30/11/2021 của 16 ngân hàng lớn nhất là khoảng 18.095 tỷ đồng, đạt 87,78% so với cam kết.

Đi đầu trong hoạt động này là các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước với quy mô giảm lãi vay lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, tổng số tiền lãi Agribank đã giảm cho khách hàng là 5.176 tỷ đồng (đạt 90,8% so với cam kết), với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,41 triệu tỷ đồng cho gần 3,75 triệu khách hàng.

Tại Vietcombank, tổng số tiền lãi đã giảm cho khách hàng là 3.822 tỷ đồng (đạt 95,56% so với cam kết), với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,24 triệu tỷ đồng cho 236.864 khách hàng.

BIDV đã giảm tổng số tiền lãi cho khách hàng là 3.382 tỷ đồng (đạt 93,94% so với cam kết), với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là trên 1,31 triệu tỷ đồng cho 437.981 khách hàng.

VietinBank đã giảm tổng số tiền lãi cho khách hàng là 2.019 tỷ đồng (đạt 112,17% so với cam kết), với tổng giá trị nợ được giảm lãi suất là gần 1,99 triệu tỷ đồng cho 834.397 khách hàng.

Một loạt ngân hàng khác cũng thực hiện giảm hàng trăm tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Những cái tên tiêu biểu có thể kể đến như MB (612 tỷ), ACB (592 tỷ), VPBank (478 tỷ), Techcombank (440 tỷ), SHB (357 tỷ),…

Không chỉ các ngân hàng lớn, những ngân hàng có quy mô nhỏ hơn cũng tích cực hỗ trợ khách hàng và người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Có thể kể đến như Viet Capital Bank đã giảm tới 2%/năm lãi suất cho vay cho cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp; tổng số khách hàng được hỗ trợ vượt qua đại dịch là 10.000 khách hàng với dư nợ 8.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn triển khai gói tín dụng ưu đãi 9.000 tỷ đồng và triển khai miễn, giảm nhiều phí dịch vụ và ra mắt ngân hàng số mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong thời đại công nghệ 4.0.

Nhìn chung, với sự thống nhất cao của các ngân hàng, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2021 tiếp tục giảm thêm 0,81%/m; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).

Bên cạnh giảm lãi suất cho vay, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ (theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14) cũng giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn. Qua đó giảm áp lực cho khách hàng trong trả nợ vay ngân hàng và tạo điều kiện được tiếp tục vay mới khôi phục và ổn định sản xuất – kinh doanh.

Đến cuối năm 2021, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607 nghìn tỷ đồng; hiện có hơn 775 nghìn khách hàng đang được tiếp cận chính sách, với dư nợ gần 300 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng.

Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước thông qua gói hỗ trợ đặc thù như tái cấp vốn, các ngân hàng gồm MSB, SHB và SeABank cũng đã cho vay Tổng Công ty hàng không Việt Nam với tổng số tiền tối đa 4.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các TCTD đã tập trung nguồn vốn gần 5 nghìn tỷ đồng (trong thời gian tháng 6-7/2021) cho 13 tỉnh ĐBSCL nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu thu mua, tạm trữ thóc, gạo vụ Hè Thu …

Riêng với Ngân hàng Chính sách – Xã hội, đơn vị này đã tích cực triển khai chương trình cho vay trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất với lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm theo Nghị quyết 68/NQ-CP và gần nhất là Nghị quyết số 126/NQ-CP.

Theo đó, để hỗ trợ doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận vốn, Nghị quyết số 126 đã bỏ điều kiện về nợ xấu tại TCTD tại thời điểm đề nghị vay vốn và không yêu cầu về có bản sao thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020. Đến cuối năm 2021, NHCSXH đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho khoảng 2 nghìn đơn vị sử dụng lao động để trả lương cho khoảng 430 nghìn lượt người lao động trên toàn quốc.

Ngoài lãi suất, các chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cũng được ngành ngân hàng đẩy mạnh trong năm 2021.

Theo đó, NHNN đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện chính sách giảm 50% phí giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; giảm 75-90% phí chuyển mạch qua ATM/POS, chuyển tiền nhanh 24/7; áp dụng chính sách miễn, giảm phí tài khoản, thẻ cho khách hàng. Nhiều TCTD triển khai thêm các gói sản phẩm dịch vụ “phí zero” hoặc kèm các điều kiện duy trì số dư bình quân để được miễn phí.

Tính đến cuối năm 2021, tổng số tiền phí các ngân hàng đã giảm cho khách hàng là khoảng trên 2,5 nghìn tỷ đồng.