Thương vụ mua lại VinCommerce khiến CTCP Tập đoàn Masan phải tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD, những người tin tưởng nhất vào Masan cũng trở nên lung lay, nhưng tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan nhìn nhận: Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách.
“Tương lai của ngành hàng tiêu dùng sẽ nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại”, tỷ phú Quang khẳng định. Đây cũng là điều CEO Masan Danny Le nhiều lần lặp lại khi chia sẻ tại ĐHCĐ mới đây.
Vừa là đơn vị sản xuất ngành hàng tiêu dùng – thực phẩm, vừa sở hữu chuỗi bán lẻ lớn bậc nhất Việt Nam, Masan sẽ đi theo cách đánh mạnh vào mảng bán lẻ trực tiếp (offline), rồi mới từ đó lấn sang mảng trực tuyến (online). Ông Quang gọi đây là mô hình O2O.
O2O, với nhiều bên là đi theo kiểu Online to Offline, nhưng với Masan, sẽ đi từ Offline to Online. Vì sao vậy?
Để giải thích câu chuyện này, ông Quang chia sẻ 2 điều:
Điều thứ nhất, mặc dù tất cả người tiêu dùng ở Việt Nam đều rất phấn khích với cơ hội mua bán hàng trên mạng, thực tế thì 99% nhu cầu mua sắm tiêu dùng vẫn được thực hiện tại các cửa hàng tạp hóa bán lẻ.
“Vậy, ưu tiên của chúng ta là phục vụ theo cách người tiêu dùng đang lựa chọn”, tỷ phú Quang nói.
“Điều thứ 2, nghe thì rất vui, nhưng thực tế là mua một chai nước mắm trên mạng đắt hơn là ra tiệm tạp hóa gần nhà. Vậy chúng ta hãy chọn nơi để phục vụ mà đối với người tiêu dùng là cách tiết kiệm nhất”.
Thương mại điện tử Việt Nam đang ở đâu?
Một thị trường thương mại điện tử (Ecommerce) sẽ trải qua 3 giai đoạn phát triển, bà Đặng Thúy Hà – Giám đốc khu vực phía bắc – Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam – chia sẻ tại một sự kiện về thương mại điện tử thường niên.
– Giai đoạn 0 – mới nổi: Người mua sẽ chỉ tập trung vào giá cả, khuyến mại, với nhóm ngành hàng được giao dịch chủ đạo là sách, du lịch, điện tử.