Dịch Covid-19 không chỉ gây khó khăn cho hoạt động kinh tế mà còn để lại nhiều vấn đề xã hội. Trong tháng 12-2021, có 119.800 doanh nghiệp (DN) tạm dừng kinh doanh, trong đó có gần 55.000 DN rút lui khỏi nền kinh tế.
“Tính mạng nhân dân là trên hết, trước hết” là phương châm cần thực hiện, song các đợt giãn cách xã hội kéo dài đã gây đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa và lao động, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, cắt giảm chi tiêu khiến tổng cầu giảm sâu…
Chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước cũng đã chứng minh tinh thần đoàn kết luôn là vũ khí sắc bén giúp dân tộc Việt Nam giành được chiến thắng. Tinh thần này chính là vũ khí giúp chúng ta vượt qua khó khăn trong 2 năm qua.
Ngay từ đầu năm 2020, dưới tác động nặng nề của dịch Covid-19, cộng đồng DN, doanh nhân đã nêu cao tinh thần chia sẻ, đồng hành với đất nước; tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn. Không chỉ vậy, DN còn đóng góp lớn vào Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, cùng nhiều sáng kiến hỗ trợ người dân như: ATM gạo, ATM ôxy, siêu thị 0 đồng; cùng các chương trình của Báo Người Lao Động, như “ATM thực phẩm miễn phí”, “Tổ quốc cần, cả nước chung tay”, “Thực phẩm miễn phí cùng cả nước chống dịch”… Tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của toàn bộ hệ thống chính trị, DN, người dân là yếu tố then chốt quyết định mức độ hồi phục của kinh tế trong thời gian tới.
Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong trung hạn. Để tận dụng được những cơ hội mới nhằm phục hồi kinh tế, năm 2022, chúng ta cần triển khai tốt, an toàn chiến dịch bao phủ vắc-xin diện rộng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực DN và hộ kinh doanh cá thể.
Quan trọng không kém là triển khai hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ. Đặc biệt, chú trọng chính sách tài khóa hỗ trợ DN và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn; sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý… Đồng thời, nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực vốn đầu tư nước ngoài.
Một trụ cột quan trọng khác là thực hiện nhanh và hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế với định hướng phát huy lợi thế so sánh và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thúc đẩy sản xuất – kinh doanh, bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát.
Triển khai và thực hiện chuyển đổi số trong cải cách thể chế và thủ tục hành chính cũng là giải pháp rất quan trọng, nhất là khi thủ tục hành chính truyền thống và ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của người dân.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp trên sẽ góp phần đưa đất nước trở lại cao tốc tăng trưởng.