Michael Lohscheller, khi còn là Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Volkswagen Hoa Kỳ và sau đó là Tổng giám đốc Opel toàn cầu, từng rất có hứng thú với thị trường Trung Quốc và Úc. Nhưng có vẻ ông chưa bao giờ chú ý đến Việt Nam, thậm chí là chưa bao giờ đến Việt Nam du lịch. Nhưng điều đó đã thay đổi cách đây chỉ vài tháng, khi ông bất ngờ từ chức tại Opel và tái xuất với cương vị CEO VinFast toàn cầu.
Theo Autohaus, VinFast là nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam, nhưng vẫn còn là một cái tên mới trong giới ô tô. Ông Lohscheller đã đến để thay đổi điều đó. Bởi sau khi ra mắt thị trường trong nước, giờ đây VinFast đang sản xuất dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện với mục tiêu xuất khẩu và chinh phục Mỹ cũng như các thị trường quan trọng ở châu Âu.
VinFast vừa ra mắt những chiếc xe đầu tiên cho chiến dịch này, hai chiếc SUV tại triển lãm ô tô ở Los Angeles, và dự định sẽ ra mắt các mẫu xuất khẩu còn lại tại CES ở Las Vegas vào đầu năm tới, tấn công thị trường Đức, Pháp và Hà Lan.
Tỷ phú đứng sau VinFast
Người đưa ông Lohscheller đến Việt Nam là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, theo Autohaus ví von là “giống như Bill Gates của châu Á”. Bởi vì Tập đoàn Vingroup của ông, được thành lập cách đây chưa đầy 30 năm ở Ukraine, giờ đây không chỉ là một trong những công ty tư nhân lớn nhất châu Á, mà tại quê hương Việt Nam, tập đoàn này hoạt động trong hầu hết mọi lĩnh vực, từ y tế đến bán lẻ, khu vui chơi giải trí đến các khu nghỉ dưỡng. Tập đoàn này cũng đưa ông trở thành tỷ phú đô la đầu tiên và là người giàu nhất Việt Nam.
Ông Vượng đã đầu tư một phần đáng kể của khối tài sản này, hơn 5 tỷ đô la, vào cuộc phiêu lưu tiếp theo của mình và thành lập nhà sản xuất ô tô VinFast cách đây 4 năm. Và công ty này đã đi được một chặng đường dài trong một thời gian rất ngắn.
VinFast đã chiếm tới 8% thị phần tại Việt Nam mỗi năm, trở thành một trong những thương hiệu phổ biến nhất.
“Những chiếc xe dành cho kỷ nguyên mới” của VinFast đang được phát triển cùng với các nhà cung cấp của Đức như Bosch hay ZF, được trang bị pin của LG Chem và thiết kế của Ý. Với e35 và e36, Pininfarina từ Turin đã thiết kế ra hai chiếc SUV khá cổ điển, với chữ V – thể hiện lòng yêu nước – làm biểu tượng.
Các nhà sản xuất vẫn chưa tiết lộ thông số về công suất. Tiết lộ duy nhất về giá cả là, chiếc xe “chắc chắn là ở phân khúc cao cấp”, nhưng sẽ có mức giá phải chăng. Theo Autohaus, giá e35 có thể sẽ không thấp hơn 45.000 EUR và e36 là không dưới 55.000 EUR.
Khái niệm mới về bán hàng và dịch vụ
Ông Lohscheller đủ thực tế để biết rằng VinFast khó có thể ghi điểm chỉ với những yếu tố đó. Bởi vì giá cả thấp và nhu cầu cao hiện cũng là lợi thế của các thương hiệu như Aiways hoặc MG. Do đó, Michael chủ yếu tập trung vào một khía cạnh mới: bán hàng và chất lượng dịch vụ sẽ tạo ra sự khác biệt.
Sẽ chỉ có một số cửa hàng nhất định được chọn để trưng bày sản phẩm. Mọi việc còn lại diễn ra tại nhà khách hàng: “Chúng tôi mang xe chạy thử và mới tới nhà khách hàng. Nếu có vấn đề, kỹ thuật viên sẽ đến tận nơi để bảo dưỡng. Trong trường hợp xe phải đến xưởng để sửa, chúng tôi sẽ để lại một chiếc xe thay thế cho khách hàng”, đó là cách Michael mô tả về dịch vụ mà từ trước đến nay, theo Autohaus, là chỉ tồn tại với những thương hiệu cao cấp như Maybach hay Rolls-Royce.
“Mọi thứ diễn ra nhanh hơn ở đây”
Khi được hỏi làm việc ở Việt Nam có gì khác với Mỹ hay châu Âu, và VinFast khác gì so với VW hay Opel, câu trả lời của ông Lohscheller rất thẳng thắn: “Tốc độ. Bất kể đó là quyết định hay thực thi, mọi thứ ở đây diễn ra nhanh hơn”, vị quản lý này say mê nói. “Những nhà sản xuất khác cần 48 tháng để phát triển một mẫu ô tô, nhưng ở đây chỉ 18 tháng”.
Và ông vẫn cảm thấy khó có thể tin rằng họ thực sự xây dựng được nhà máy ở Hải Phòng trong 21 tháng. Như lẽ dĩ nhiên, ông Lohscheller cũng phải điều chỉnh tốc độ của bản thân. Thậm chí, 14 ngày cách ly sau khi trở về Việt Nam đã trở thành một cuộc họp hội đồng quản trị, vì tất cả các giám đốc điều hành đều tập trung trong cùng một khu nghỉ dưỡng.