Thất nghiệp mùa Covid và thói quen quản lý tài chính cá nhân: Nếu mỗi tháng tiết kiệm 1 triệu đồng thì sau 40 năm có tiền tỷ

Thất nghiệp mùa Covid và thói quen quản lý tài chính cá nhân: Nếu mỗi tháng tiết kiệm 1 triệu đồng thì sau 40 năm có tiền tỷ

Covid-19 khiến nhiều người lao động không chỉ đối mặt với thất nghiệp, không có tiền trang trải với cuộc sống, mà còn phải đối mặt với áp lực trả nợ…Thực trạng này đã dấy lên lời cảnh tỉnh cần sớm có thói quen quản lý tài chính cá nhân để có thể xoay sở khi có những bất trắc xảy ra như đại dịch Covid 19. Tại Talkshow Phố Tài chính, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Đầu tư công ty quản lý quỹ VCBF đã chia sẻ những kênh đầu tư an toàn và hiệu quả hiện nay.

BTV Mùi Khánh Ly: Trước dịch bệnh, không nhiều người nghĩ sẽ cần một quỹ dự phòng cá nhân để bảo đảm cuộc sống trong những tình huống bất ngờ. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc Đầu tư công ty quản lý quỹ VCBF: Những năm 90 tỉ lệ tiết kiệm của người dân Việt Nam khá cao, đến năm 2005 – 2006 đạt khoảng 29% theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Tuy vậy từ 2016, 2017 trở đi tỉ lệ này đã giảm, đến năm 2019 chỉ còn khoảng 25%. 

Tôi thấy giới trẻ gần đây không những không tiết kiệm mà còn đi vay để chi tiêu. Nhiều bạn trẻ thu nhập không cao nhưng luôn dùng điện thoại đắt tiền nhất và mới nhất bằng cách đi vay tiêu dùng. Tuy nhiên, khi Covid 19 xảy ra mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Có những người làm trong các ngành nghề mà người ta nghĩ sẽ không bao giờ có thể mất việc được, thậm chí là thu nhập rất cao như phi công nhưng cũng vẫn thất nghiệp…Điều đó cho thấy, trên đời này tất cả mọi thứ đều có thể xảy ra và chúng ta cần phải chuẩn bị cho những biến cố đó.

Tôi nghĩ sau đại dịch Covid 19 mọi người sẽ quan tâm hơn đến quản lý tài chính cá nhân, quan tâm đến việc chuẩn bị những quỹ dự phòng, đến cái nhìn dài hạn hơn.

Vậy tại những nước phát triển, thói quen quản lý tài chính cá nhân ra sao?

Ở các nước phát triển, quản lý tài chính cá nhân được đưa vào chương trình phổ thông từ rất sớm, như ở Anh chúng ta có thể bắt gặp những bài toán về lãi kép ở chương trình học lớp 9. Ở các nước phát triển, các bạn trẻ 13, 14 tuổi đã có thể đi làm bán thời gian để kiếm thêm thu nhập, sau 18 tuổi nhiều bạn đã ra ở riêng, phải tự lập cho tài chính của mình, cho nên việc hình thành thói quen quản lý tài chính cá nhân có từ sớm. Khi đại dịch xảy ra thu nhập chủ động từ đi làm giảm, nhưng thu nhập bị động từ đầu tư, dự phòng còn đó, giúp cho họ có thể tránh được cú sốc về tài chính.

Vậy có công thức nào để quản lý tài chính cá nhân một cách hiệu quả không?

Theo tôi, thực sự không có một công thức chung nào cho tất cả. Luôn có một lời khuyên là chúng ta phải có một quỹ dự trữ, và quỹ dự trữ này phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh của chúng ta. Chẳng hạn như người độc thân chưa phải lo cho ai thì khác so với một người đã có gia đình phải lo cho 2-3 đứa con rồi cha mẹ già. 

Thông thường, chúng ta phải có khoản dự phòng từ 3 đến 6, thậm chí là 12 tháng lương phụ thuộc vào hoàn cảnh của chúng ta. Ví dụ, bây giờ bạn bắt đầu đi làm thì bạn không nên tiêu hết số tiền đấy, mà sẽ trích ra với tỷ trọng tiết kiệm của bạn nên tối thiểu ở một mức, ví dụ như 20% thu nhập. Như vậy sau năm tháng bạn sẽ có một tháng thu nhập cất đi, sau 10 tháng bạn sẽ có hai tháng thu nhập để tiết kiệm. Như vậy là bạn chỉ cần 15 tháng đi làm, là bạn có thể tiết kiệm 3 tháng thu nhập rồi. Có ba tháng thu nhập đó, bạn có thể để ở những tài sản an toàn, tính thanh khoản cao, có thể rút ra khi cần, ví dụ như là gửi tiết kiệm. Còn sau 17, 18 tháng, bạn có phần thừa ra thì bạn có thể đầu tư vào những tài sản mang tính rủi ro hơn. Ví dụ như là đầu tư vàng hay chứng khoán…

Tôi đã đưa ra một bài toán đố cho rất nhiều người, và nhiều người ngạc nhiên khi thấy câu trả lời. Câu đố là nếu chúng ta chỉ đầu tư 1 triệu/tháng trong vòng 40 năm. Tổng cộng 40 năm nó là 480 triệu, và giả định cho cả danh mục với mức lãi suất chỉ 8%/năm thì chúng ta kiếm được bao nhiêu tiền? Thì thực sự rất ít người dám đưa ra câu trả lời vì nghĩ là 1 triệu 1 tháng tiết kiệm thì được bao nhiêu đâu. Nhưng chúng ta có thể có 3,6 tỷ sau 40 năm nếu ta cứ đều đặn đầu tư mỗi tháng 1 triệu đồng.

Theo bà, nếu muốn gia tăng tài chính cá nhân bằng cách đầu tư thì đầu tư như thế nào cho hiệu quả giai đoạn bình thường mới này?

Có rất nhiều loại tài sản có thể đầu tư nhưng chúng ta phải xem xét chúng ta muốn gì, ta có thể nắm giữ được bao nhiêu, chúng ta có thể chịu được những biến động ở trên thị trường hay không, để ta lựa chọn.

Ví dụ như chúng ta đầu tư cho mục tiêu nghỉ hưu, rõ ràng là thời gian rất dài và chúng ta có thể chấp nhận được những biến động, thì chúng ta có thể hoàn toàn chọn những kênh đầu tư như chứng khoán chẳng hạn. Nhưng nếu chúng ta đầu tư để năm sau phải dùng cái số tiền này để chi trả cho việc học đại học của con thì phải tính cách khác.

Tuy nhiên có 1 nguyên tắc là ta nên phân bổ ra càng nhiều loại tài sản càng tốt, khi một tài sản này xuống thì tài sản kia nó lên. Ví dụ như tiền gửi tiết kiệm, trước đây thì ai cũng nghĩ gửi tiết kiệm luôn nhận được số lãi cố định. Nhưng mà cũng không thể biết được như năm 2020 khi dịch Covid xảy ra, lãi suất tiền gửi tiết kiệm liên tục giảm.

Khi lãi suất giảm thì những cổ phiếu, trái phiếu thông thường lại tăng giá, như vậy chúng ta có cái phần bù vào. Nếu chúng ta đầu tư ở nhiều loại tài sản thì ta sẽ giảm được rủi ro.

Với những người không có khả năng, không có thời gian, tôi nghĩ là tốt nhất chúng ta nên đầu tư vào các quỹ đầu tư. Các quỹ đều được giám sát bởi UBCK Nhà Nước, bởi Ngân hàng giám sát nên rất minh bạch. Đồng thời, các quỹ cũng được quản lý bởi các chuyên gia có kinh nghiệm, có thời gian, cũng như là sẽ đầu tư vào rất nhiều các loại tài sản để đa dạng hóa và giảm rủi ro cho nhà đầu tư.

Xin cảm ơn bà.