Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm của SSI, tính đến ngày 21/5/2021, huy động của các TCTD chỉ tăng trưởng 2,68% trong khi tín dụng toàn nền kinh tế tăng trưởng 4,67% so với đầu năm (tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều mức tăng trưởng 2% của 5 tháng đầu năm 2020).
Chênh lệch tiền gửi và tín dụng thu hẹp khoảng 160 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2020. Do đó, thanh khoản các NHTM bớt dư thừa khiến lãi suất trên liên ngân hàng tháng 5 tăng thêm khoảng 0,35 – 0,53% so với thời điểm cuối tháng 4, duy trì quanh mức 1,3%/năm với kỳ hạn qua đêm, 1,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Tuy nhiên, theo SSI, cung cầu VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, NHNN vẫn tạm ngừng giao dịch trên thị trường mở trong 3 tháng qua, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ được thực hiện trong tháng 7,8 tới.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đánh giá sách tiền tệ đang ở mức hợp lý, lãi suất (đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên) ở xu hướng giảm để hỗ trợ nền kinh tế và không có dấu hiệu cho thấy sẽ có sự thay đổi về định hướng chính sách khi mà lạm phát vẫn ở trong tầm kiểm soát. SSI cho rằng, áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn và có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc.
Một trong những thông tin đáng lưu ý là lạm phát trong tháng 5 vẫn trong tầm kiểm soát dù giá nguyên liệu đầu vào trên đà tăng mạnh. CPI tháng 5 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 2,9% so với cùng kỳ, chủ yếu do giá xăng và vật liệu xây dựng tăng, trong khi giá thực phẩm giảm tháng thứ 2 liên tiếp. Nếu tính trung bình, CPI 5 tháng mới tăng 1,29% so với cùng kỳ, mức thấp nhất kể từ năm 2016.