Đối với một số linh kiện, Toyota sẽ tích trữ lượng tồn kho đủ dùng trong 4 tháng. Volkswagen đang xây dựng 6 nhà máy để có thể tự sản xuất pin. Tesla thì đang cố gắng đảm bảo tốt nhất khả năng tiếp cận các vật liệu thô.
Chuỗi cung ứng siêu hiệu quả mang tên “just in time” đang trải qua những biến đổi lớn nhất trong hơn 50 năm trở lại đây. Quá trình biến đổi được thúc đẩy bởi các nhà sản xuất ô tô đang gặp rắc rối vì đại dịch. Sau một loạt sự kiện như nhu cầu biến động mạnh và thời tiết khắc nghiệt, họ đang phải đánh giá lại điều bấy lâu nay vẫn mặc nhiên đúng: bất cứ khi nào cần đến linh kiện gì, họ sẽ ngay lập tức mua được linh kiện đó.
Được Toyota giới thiệu từ cách đây hơn 50 năm, “just in time” (JIT) là mô hình sản xuất mà sẽ giữ lượng hàng hóa và nguyên liệu thô, hay chính là lượng hàng tồn kho, ở mức đủ thấp để có thể cắt giảm chi phí tối đa và tăng lợi nhuận thặng dư, đồng thời tối ưu hóa dây chuyển sản xuất.
Theo Ashwani Gupta, COO của Nissan Motor, 1 cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ như Covid đã bộc lộ rõ sự mong manh của mô hình JIT. Ví dụ như chiếc F-150 của Ford Motor, một trong những mẫu xe bán chạy nhất tại thị trường Mỹ. Phiên bản mới nhất tích hợp những công nghệ như động cơ lai giữa điện và xăng và cả phần mềm có thể được cập nhật thường xuyên như những chiếc Tesla.
Trong lúc tình hình dịch ở Mỹ đang tạm lắng xuống nhờ vaccine, khách hàng đã mua khoảng 200.000 chiếc F-150 trong quý I vừa qua, đánh dấu quý I tốt nhất trong 13 năm trở lại đây. Nhưng giờ thì nguồn cung đang bị thiếu hụt. Các nhà máy phải đóng cửa hoặc giảm công suất trong cả tháng 4 và tình trạng sẽ còn tiếp tục cho đến ít nhất là giữa tháng 5.