Bất chấp dịch bệnh, Tp.HCM vẫn có gần 2.500 doanh nghiệp BĐS “chào đời”

Bất chấp dịch bệnh, Tp.HCM vẫn có gần 2.500 doanh nghiệp BĐS “chào đời”

Đáng lưu ý là doanh nghiệp BĐS tuy chỉ chiếm 5,92% tổng số doanh nghiệp thành lập mới, nhưng lại chiếm đến 55,92% tổng vốn đăng ký.

Báo cáo của Hiệp hội BĐS Tp.HCM chỉ ra, trong năm 2020, Tp.HCM có 41.933 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 1.169.917 tỷ đồng (giảm 5,22% về số lượng doanh nghiệp và tăng 63,45% về vốn đăng ký so với năm 2019), trong đó, có 2.482 doanh nghiệp kinh doanh BĐS được thành lập mới. Lũy kế đến hết tháng 10/2020, thành phố có 440.284 doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký 6.931.854 tỷ đồng.

Về doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, trong năm 2020, thành phố đã có 13.833 lượt doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh (tăng 40,04%) và 5.988 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 15,24%) và đã có 10.626 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 18,96% so với năm 2019.

Trong năm cả nước có đến 1.325 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 1,36 lần so với năm 2019, là mức tăng cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác. Đây là tổn thất lớn, vì BĐS có liên quan đến khoảng 35 ngành nghề của nền kinh tế và tạo việc làm cho nhiều người lao động.

Cũng theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM, về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2020, thành phố thu hút được 4,36 tỷ USD vốn FDI, tuy đứng đầu cả nước, nhưng giảm mạnh đến 47,49% so với năm 2019. Trong đó, đầu tư vào bất động sản 726 triệu USD, chiếm 22,3%, đứng thứ 2 trong thu hút nguồn vốn FDI. Đứng đầu nguồn vốn FDI là Singapore, 23,62%, tiếp theo là Hàn Quốc 17,04%, British Virgin Islands 13,07%,Camay Islands 10,29%, Nhật Bản 10,06%, Hoa Kỳ 3,72%, Hà Lan 3,11%, Trung Quốc 3,1%.