Thầy Vũ Văn Tùng, hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện la Pa, tỉnh Gia Lai đã tạo dựng được 4 “tủ bánh mỳ 0 đồng” ở địa phương nơi thầy công tác.
Ngoài những tủ bánh mỳ miễn phí của thầy đang “cứu đói” cho không ít học sinh nghèo, thầy còn tặng bò, dê để tạo ra sinh kế cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng.
Ít ai biết rằng, thầy Tùng vốn là người gốc ở Nghệ An, nhưng đã gắn bó với nghiệp giáo viên ở đại ngàn Tây nguyên suốt 30 năm qua.
Chia sẻ về động lực để mở ra mô hình “tủ bánh mỳ 0 đồng”, thầy Tùng cho biết: “Về ý tưởng lập tủ bánh mỳ 0 đồng, cũng xuất phát từ quá trình công tác của tôi từ khi tôi chuyển vào Gia Lai.
Nơi đây bà con chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.
Nhất là vào mùa thu hoạch nông sản, bố mẹ các em thường phải ở lại nương rẫy mấy ngày mới về. Vì thế, việc ăn uống, sinh hoạt của các em đa phần phải tự túc. Điều này khiến cho rất nhiều học sinh, nhất là ở cấp tiểu học phải nhịn đói đến trường.
Những “tủ bánh mỳ 0 đồng” do thầy Tùng tạo dựng đang “cứu đói” cho nhiều học sinh, giúp các em yên tâm học tập. Ảnh: NVCC |
Trong khoảng thời gian này, có nhiều em cứ nửa buổi sáng lại trốn học. Tôi âm thầm đi theo các em để nắm rõ sự tình. Khi bắt gặp, tôi hỏi: tại sao các em lại trốn học khi chưa hết buổi?
Các em trả lời: do đói bụng quá nên về nhà để kiếm cái ăn cho đỡ đói. Từ những lần chứng kiến các em như thế, mỗi đêm về tôi lại trằn trọc, không ngủ được. Trong tôi luôn đau đáu việc, phải làm sao để góp phần xoá bỏ được cái đói, cái khổ cho các em, để các em được yên tâm học tập.
Từ đó, ý tưởng về việc mở ra “tủ bánh mỳ 0 đồng” đã nảy sinh và tôi quyết tâm bằng mọi giá phải thực hiện điều đó bằng được.
Thực tế, điều kiện kinh tế gia đình tôi cũng không mấy khá giả, hai vợ chồng đều làm giáo viên nên đồng lương cũng ít ỏi. May mắn, khi nảy sinh ý tưởng, tôi có sự trợ giúp từ một cậu bạn là chủ của một lò sản xuất bánh mỳ. Sau khi hiểu được tâm huyết và ý nghĩa việc làm của tôi, cậu ấy đã không ngại ngần giúp đỡ. Với lời hứa, mỗi tuần bạn ấy sẽ cho tôi 70 cái bánh mỳ miễn phí để tôi biến ý tưởng của mình thành hiện thực.
Gọi là tủ bánh nhưng ban đầu tôi cũng chỉ có 1 chiếc xe máy, lắp thêm cái giỏ phía trước và để bánh mỳ vào đó. Đến lớp nào có học sinh cần bánh mỳ thì tôi qua đó phát trực tiếp cho các em đó luôn.
Sau đó, thấy mình vất vả quá, ông chủ lò bánh cho mình mượn thêm cái tủ. Dần dà nhờ sự giúp đỡ của mọi người, tôi cũng đã xây dựng thành hệ thống tủ hoàn chỉnh và phân phát đều đặn cho các em vào sáng thứ 2, 4 và thứ 6 hàng tuần, theo đúng ý nghĩa của tên gọi là “tủ bánh mỳ 0 đồng”.
Ngoài trao bánh mỳ miễn phí, thầy Tùng còn trao bò sinh kế cho các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong vùng. Ảnh: NVCC |
Về triển vọng của mô hình này, thầy Tùng cho hay: “Từ một điểm nhỏ của mô hình “tủ bánh mỳ 0 đồng” được tôi khởi xướng từ đầu tháng 12/2021. Đến nay, mô hình của tôi đã tạo ra được sự lan toả với 2 điểm khác nữa ở Trường mầm non Sơn Ca và Trường Tiểu học Đinh Núp. Hiện tại, mô hình “tủ bánh mỳ 0 đồng” vẫn đang phát triển và nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của các mạnh thường quân từ khắp mọi miền tổ quốc”.
Nói về ý tưởng trao tặng bò cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy Tùng lý giải là xuất phát từ mong muốn tạo ra sinh kế cho các em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.
Thực tế, trước đó thầy Tùng cũng đã vận động mạnh thường quân và tặng 1 cặp dê sinh sản cho gia đình học sinh đó.
Vừa qua, thầy Tùng cũng trích từ quỹ dư của “tủ bánh 0 đồng” 10 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của nhà hảo tâm, thầy xin thêm được 2 triệu nữa để mua 1 con bò tặng cho học sinh.
Đến nay cặp dê và bò ấy đã và đang phát triển tốt và tạo ra những tín hiệu đáng mừng. Các học sinh và gia đình nhận được món quà sinh kế cũng rất biết lo lắng chăm sóc các “món quà sinh kế”.
Chia sẻ thêm về những khó khăn từ ngày đầu, thầy Tùng cho biết: “Khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình chính là về kinh phí. Bên cạnh đó là khó khăn về địa hình, khi các điểm trường nằm rải rác, cách xa nhau.
Khi ấy, để tủ bánh hoạt động hiệu quả, rất cần sự hỗ trợ của các giáo viên khác trong trường.
Bởi lẽ, khoảng 4 giờ sáng tôi phải đi ra lò bánh mỳ để nhận bánh. Vì các điểm trường cách xa nhau nên khi đi giao bánh có những điểm phải giao thật sớm, cần có người trực nhận bánh và trao cho học sinh để mình đi phát bánh ở các điểm khác.
Ban đầu, các đồng nghiệp chưa hiểu hết ý nghĩa công việc mình làm nên tôi ít nhận được sự phối hợp, công việc tương đối vất vả.
Chính vì thế, những ngày đầu thực hiện chương trình, hầu như ngày nào tôi cũng rời khỏi nhà từ lúc tờ mờ sáng và về đến nhà khi trời đã tối mịt.
Dần dần những việc làm của mình đã được mọi người thấu hiểu, phụ huynh cảm kích. Đặc biệt là có sự ủng hộ của gia đình nên ngày càng công việc cũng trở dễ dàng và thuận lợi hơn”.
Trước đây, thầy Tùng cũng từng vận động để ủng hộ xe đạp cho học sinh. Ảnh: NVCC |
Ngoài ra, chia sẻ về phương án “sao kê” hiệu quả để tránh những thị phi khi làm từ thiện, thầy Tùng cho rằng, mỗi lần nhận được tiền ủng hộ từ các mạnh thường quân, đều chủ động công khai trên trang facebook hoặc zalo cá nhân để tất cả mọn người đều biết.
Hơn nữa, các khoản thu, chi, mua nguyên vật liệu hoặc bánh mỳ đều được thầy Tùng công khai rõ ràng và có báo giá để mọi người có thể đối chiếu.
Những khoản dư từ nguồn ủng hộ cũng được thầy thông báo, hoặc nếu có phương án sử dụng khoản tiền dư đó thì cũng được minh bạch với tất cả mọi người.
“Tôi làm việc này xuất phát từ tình thương của mình đối với học trò nên nếu có tài sản riêng tôi cũng sẽ bỏ thêm ra để phục vụ học trò nghèo khổ, nên không bao giờ tồn tại ý nghĩ tư lợi cho bản thân mình.
Chỉ mong sao mô hình ngày càng được lan toả và tôi có thêm nhiều bạn đồng hành để có thêm nhiều “tủ bánh mỳ 0 đồng” hơn nữa. Khi ấy sẽ có nhiều em nhỏ thiếu ăn được “ấm bụng” để yên tâm học hành”, thầy Tùng bộc bạch.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Công Tấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp cho rằng: “Việc làm của thầy Tùng mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Không chỉ “cứu đói” cho nhiều học sinh mà còn giúp các em yên tâm học tập, phụ huynh yên tâm làm ăn.
Trước những việc làm đó của thầy Tùng, nhà trường cũng vận động giáo viên cùng chung tay giúp đỡ. Ban Giám hiệu cũng tạo mọi điều kiện để thầy Tùng có thể yên tâm công tác và chủ động với công việc thiện nguyện.
Chính quyền địa phương cũng thống nhất với nhà trường để sắp tới có phương án khen thưởng, động viên thầy Tùng trước những việc làm thầy ấy đã làm. Nhằm lan toả mạnh hơn nữa những mô hình ý nghĩa như vậy”