IFRS15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam

IFRS15 – Bước tiến bộ trong ghi nhận doanh thu và thách thức với doanh nghiệp Việt Nam

Kỳ 1 – Thay đổi chuẩn mực IFRS 15 mang lại

Nếu phải chọn một khoản mục quan trọng nhất trên báo cáo tài chính, thì đó có lẽ là doanh thu. Vậy nhưng Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) không có cập nhật đáng kể nào trong suốt 20 năm cho hai chuẩn mực ghi nhận doanh thu IAS18 và IAS11, ngoại trừ một vài diễn giải xử lý những vấn đề ghi nhận doanh thu phát sinh từ thực tiễn kinh doanh.

Tức là suốt 20 năm, trong khi nhà điều hành doanh nghiệp liên tục sáng tạo ra các mô hình mới đẩy mạnh doanh số, hay thậm chí tiêu cực hơn, sáng tạo ra các mô hình nhằm đạt được việc ghi nhận doanh thu theo mong muốn, hệ thống chuẩn mực không có thay đổi tương ứng. Cập nhật đáng kể nhất là Diễn giải IFRIC13, xử lý việc ghi nhận doanh thu cho các chương trình khách hàng trung thành, vốn đã phổ biến trong nhiều ngành kinh doanh như hàng không, ngân hàng, bán lẻ hay hàng tiêu dùng. Chừng đó rõ ràng là chưa đủ đối với những đổi mới liên tục do sự sáng tạo không ngừng nghỉ của người làm kinh doanh.

Để tìm hiểu thêm, chúng tôi phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Nghị – Thành viên điều hành, Dịch vụ Tư vấn Kế toán và Báo cáo Tài chính tại KPMG Việt Nam. Trong 22 năm làm việc tại KPMG Việt Nam, ông Nghị đã tư vấn về Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS) cho nhiều doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam.

Thưa ông, các chuẩn mực kế toán hiện tại đang có những hạn chế nào trong việc quy định ghi nhận doanh thu?

Hiện nay một hình thức phổ biến mà nhiều doanh nghiệp đang áp dụng là tạo ra các gói sản phẩm/dịch vụ kết hợp. Giao dịch này đặt ra vấn đề ghi nhận doanh thu cho mỗi cấu phần trong đó. Chuẩn mực ghi nhận doanh thu cũ không đủ hướng dẫn để xử lý một cách thuyết phục vấn đề này, đến mức mà ngành viễn thông, là ngành mà gói sản phẩm kết hợp rất phổ biến, phải đưa riêng một hướng dẫn kế toán. Rất nhiều doanh nghiệp còn cố ý đưa ra các gói kết hợp để khai thác lỗ hổng ghi nhận doanh thu, do chưa có hướng dẫn về thời điểm và giá trị ghi nhận doanh thu của mỗi cấu phần. Ví dụ, hợp đồng bao gồm nhiều sản phẩm nhưng cố ý cho sản phẩm giao đầu tiên là sản phẩm chính trong hợp đồng và ghi nhận toàn bộ doanh thu vào thời điểm giao sản phẩm này.

Thứ hai là rất nhiều giao dịch thoạt nhìn chỉ có một sản phẩm, nhưng thực chất bao gồm nhiều sản phẩm, trong đó sản phẩm thứ hai có thể ngầm kèm theo sản phẩm đầu tiên. Ví dụ như hợp đồng bán tài sản kèm bảo hành kéo dài. Khi đó, có thể bảo hành không còn là một nghĩa vụ hậu mãi nữa, mà trở thành một dịch vụ tách biệt trong hợp đồng. Các chuẩn mực ghi nhận doanh thu cũ chưa có hướng dẫn xử lý vấn đề này.

Ngoài ra, các chuẩn mực cũ chưa đề cập kỹ đến trường hợp các hợp đồng gắn kết với nhau. Ví dụ hợp đồng bán bất động sản có thể được chia thành hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hợp đồng xây nhà trên đất, nhưng về bản chất, đó là hợp đồng chuyển nhượng bất động sản đã hoàn thành.

Việc thiếu hướng dẫn cho các tình huống đơn cử trên dẫn đến diễn giải không nhất quán giữa doanh nghiệp này hay doanh nghiệp khác. Rất may các điểm yếu trên đã được giải quyết, hoặc phần nào được giải quyết, với sự ra đời của IFRS15 – Hợp đồng với khách hàng, thay thế cho các chuẩn mực và diễn giải cũ.”