Nhạc sỹ Vũ Quốc Nam Sinh năm 1981 tại Hưng Châu, Hưng Nguyên, Nghệ An là con thứ 6 trong gia đình theo đạo Thiên Chúa có 9 anh chị em, thuở nhỏ Vũ Quốc Nam là một thành viên trong ca đoàn của nhà thờ, giữ chân chơi đàn organ. Thánh ca đã trở thành thứ âm nhạc đầu tiên len lỏi vào hồn cậu bé, và đó là thứ âm nhạc sang trọng, vừa buồn bã vừa hân hoan. Trên bìa những cuốn sách, cuốn vở đi học của mình, Vũ Quốc Nam thường vẽ lên những phím đàn. Phải đến những năm 17, 18 tuổi, Anh mới biết sâu hơn về âm nhạc nhờ những chia sẻ thân tình của cố nhạc sỹ Tùng Vinh lúc bấy giờ có một vài chương trình hướng dẫn về chuyên môn cho ca đoàn của nhà thờ.
Ban đầu, Anh cùng chị gái tham gia chơi nhạc đám cưới cũng như các sự kiện nhỏ. “Cứ một buổi ra đồng làm ruộng, một buổi về chơi nhạc đám cưới” – anh nhớ lại, thoáng chút nghẹn ngào. Sau đó, Anh trở thành tay đánh organ cho các quán cà phê nhạc sống một thời thịnh hành ở Vinh như Câu lạc bộ Thời trang trẻ, Tuấn Euro… Nhưng cũng chính tại các chương trình ca nhạc nghiệp dư này, năng khiếu âm nhạc của Anh được các anh chị trong Đoàn ca múa Nghệ An phát hiện và được mời vào chơi nhạc cho Đoàn.
Cùng ekip sản xuất một chương trình của Đài PTTH Nghệ An
Đến năm 2009, Vũ Quốc Nam được đi học sáng tác âm nhạc tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Quân đội, và tại đây đến năm 2012 anh lại được học lên đại học (Khoa Sáng tác Âm nhạc). Cũng năm này, Vũ Quốc Nam được kết nạp vào Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học (2014), Vũ Quốc Nam rời Đoàn ca múa nhạc các dân tộc để về làm tại Phòng Văn nghệ của Đài Truyền hình Nghệ An. Công việc chủ yếu của anh ở đây là biên tập âm nhạc, hòa âm phối khí, thu thanh cũng như phụ trách âm nhạc cho các chương trình, sự kiện lớn của Phòng.
Cùng nhạc sĩ Lê Hàm.
Tôi hỏi Vũ Quốc Nam về những người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp âm nhạc của anh. Nhạc sĩ cho biết, người đầu tiên ảnh hưởng đến sự nghiệp của anh đó chính là người Cha (Thầy) của anh. Hồi đó, Cha của anh là người nhạc trưởng của dàn nhạc nhà thờ và cũng là người rất yêu thích âm nhạc, nghệ thuật nên từ trong tâm thức của mình anh đã được thừa hưởng cái gen nghệ thuật đó của Cha. Và sau đó anh được theo học một lớp ngắn hạn được dạy bởi thầy giáo Ngô Tùng Vinh, gọi là người đầu tiên đã giúp Vũ Quốc Nam hiểu nhiều hơn và càng say mê với từng nốt nhạc, Và sau này, người mà anh rất ngưỡng mộ và biết ơn nữa là nhạc sĩ, nghệ sĩ nhân dân Hoàng Thành. Chính nhạc sĩ này là người nâng bước quan trọng, định hướng cho Vũ Quốc Nam đi theo con đường sáng tác và dìu dắt anh trên mỗi chặng đường, cho anh hiểu rằng đó là con đường gian nan nhưng cũng vô cùng hạnh phúc.
Cùng Đại tá, nhà thơ Hồ Xuân Tứ
Người ảnh hưởng thứ 3 sau…
“Người thứ ba có ảnh hưởng tới sự nghiệp của tôi, đó chính là vợ tôi”, nhạc sĩ Vũ Quốc Nam cười. Rồi anh kể về vợ, chị Hồ Thu Trang, là Nhạc công, Nhạc sĩ của Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV. Trong thời gian gặp và yêu nhau, chính Hồ Thu Trang đã giúp anh tiếp xúc gần gũi hơn với môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, từ đó mà anh trưởng thành hơn trên con đường sáng tác của mình. Rồi cũng chính chị, khi đã trở thành người vợ yêu thương luôn sát cánh bên anh, đã lặng lẽ lo vén việc nhà cho chồng đi học trong nhiều năm liền, động viên, khích lệ tinh thần và tạo mọi điều kiện để âm nhạc của anh được cất cánh. Và đến khi trưởng thành hơn là khi anh được tiếp tục con đường học sáng tác taị Trường Đại học văn hóa nghệ thuật Quân đội. Tại đây, anh được tiếp xúc với rất nhiều người Thầy, người anh, là những người mà anh đã ngưỡng mộ từ rất lâu. Như nhạc sỹ Trương Ngọc Ninh (người thầy trực tiếp hướng dẫn cho chương trình học đại học sáng tác của anh tại trường Đại học VHNT Quân đội), người luôn hỗ trợ, dìu dắt anh không chỉ trong giờ học mà còn trong sự nghiệp sáng tác khi anh cần những tham khảo mang tính chuyên môn. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, một người Thầy người anh lớn của anh. Chính Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy là người đã động viên để Vũ Quốc Nam quyết tâm cho hành trình học đại học Sáng tác âm nhạc.
Cùng nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Nhạc sỹ Vũ Quốc Nam được biết dến với những ca khúc mang âm hưởng dân ca Xứ Nghệ nằm lòng trong công chúng yêu nhạc Xứ Nghệ như: Nhớ thương ví giặm, Quê hương là núi Hồng sông Lam, Đôi mắt sông Lam, Dòng Lam dòng La… Và với dòng nhạc mang phong cách trữ tình, trữ tình dân gian với ca khúc “Chơi vơi” phổ thơ Hồ Mậu Thanh, đã có rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện thành công như NSUT Tố Nga, Ca sĩ Anh Thơ, Ca sĩ Tân Nhàn, Ca sĩ Lê Mận… Cánh buồm tình yêu, Hai nửa chơi vơi… Với dòng nhạc trữ tình anh cũng có rất nhiều ca khúc được công chúng yêu nhạc yêu thích như: Tìm về miền xưa, Tìm em chiều Đà Lạt, Yêu Hà Nội và em, Hà Nội mùa nhớ, Mơ, Tâm tư người lính, Kiếp cơ hàn và với Vũ Quốc Nam, những ca khúc ấy chính là món quà tặng từ tâm hồn. Anh nói rằng, điều quan trọng nhất trong quá trình sáng tác của nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng, đó chính là cảm xúc, sau mới đến những thứ như học thuật, kĩ thuật phụ trợ.
Khi viết về quê hương, cảm xúc dâng tràn trong trái tim đã làm khơi dậy những nốt nhạc và giai điệu, ca từ. Anh yêu quê hương mình, mảnh đất miền Trung khô cằn nắng gió nhưng đẹp và thơ mộng như tranh. “Mảnh đất ấy có bao điều làm tâm hồn rung động, bao điều đáng viết mà có lẽ suốt đời cũng không khai thác hết được”, Vũ Quốc Nam nói. Nhưng là một nhạc sĩ trẻ, nên bên cạnh mảng đề tài về quê hương, anh cũng nhanh chóng nắm bắt gu âm nhạc hiện đại của lớp trẻ và viết được nhiều mảng đề tài khác phù hợp với thế hệ mình. Niềm mong ước lớn nhất của Quốc Nam là các tác phẩm nhạc của anh được nhiều người biết đến hơn, có sức lan tỏa hơn. Chính bởi vậy, đối với người nhạc sĩ, số lượng các tác phẩm không quan trọng, mà trong từng sáng tác của mình, từng giai điệu nhắc nhở anh rằng nó thực sự sẽ đi vào lòng công chúng nếu được viết bằng cả trái tim và được gạn lọc, trau chuốt với thái độ làm việc nghiêm túc.
Và ngoài nghề nghiệp chính là sáng tác thì anh cũng là Nhạc sĩ hòa âm cho các nhạc sĩ hay các chương trình lớn nhỏ và cũng là Nhà sản xuất âm nhạc và phụ trách âm nhạc các chương trình lễ hội lớn và quy mô… Và đối với anh sự nghiệp luôn quan trọng nhưng gia đình mới là thứ quan trọng và cần gìn giữ nhất, bởi đối với anh gia đình là nguồn cảm hứng bất tận cho sự nghiệp cũng như công việc chuyên môn của mình.