Vì thế, khi sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 cần thể chế hóa bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất một cách công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác.
“Cứ chuyển đổi được mục đích đất là giàu có”
Sáng 8/10, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Báo cáo kết quả giám sát, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khái quát hàng loạt những bất cập, vướng mắc và các lỗ hổng sau nhiều năm thực hiện Luật Đất đai 2013, từ quy định về sở hữu, quy hoạch sử dụng cho đến giá, bồi thường, thu hồi…
Đi vào vấn đề sở hữu, ông Thực cho biết, theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Tuy nhiên, luật hiện nay mới chỉ quy định về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai, trong khi đó, toàn dân với vai trò là chủ sở hữu đất đai lại chưa được quy định rõ. Trong khi đó, các quy định về tài chính, nhất là chênh lệch địa tô lại chưa được tập trung vào ngân sách nhà nước, chưa hài hòa lợi ích của các bên, dẫn đến khiếu kiện còn phức tạp. Từ đó, đoàn giám sát kiến nghị bổ sung các quy định về quyền của chủ sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai đảm bảo sự tương thích với Hiến pháp.