Việt Nam trước tình huống chính sách tiền tệ của Fed năm nay

Việt Nam trước tình huống chính sách tiền tệ của Fed năm nay

Trong buổi hội thảo trực tuyến chủ đề “Nhìn lại kinh tế Việt Nam 2021 và triển vọng cho 2022” sáng 22/1, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nhìn lại tổng quan quá trình tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19 căng thẳng, đồng thời đưa ra những phân tích, nhận định về triển vọng của năm 2022.

Hai điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2021

Nửa đầu năm 2021, có thể thấy kinh tế Việt Nam đã trải qua khoảng thời gian khá tốt, xuất khẩu đã có lúc tăng trưởng rất cao gần 30%. Tuy nhiên sau đó diễn biến căng thẳng của dịch COVID-19 đã tạo ra vô vàn thách thức.

Những tháng hè năm ngoái, 17 khu công nghiệp tại TP.HCM, 82% người lao động các khu công nghiệp và khu chế xuất tại khu vực này mất việc làm. Trong bối cảnh đó, ngành ngành, nhà nhà, các cơ quan trung ương và địa phương đưa ra hàng loạt các quy định, mà theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành đến bây giờ nhìn lại thực ra là giấy phép con. Kiểm soát dịch, rất nhiều nơi đưa ra rào cản với doanh nghiệp. Trong chống dịch đã đẻ ra nhiều giấy phép mà cho đến giờ vẫn tồn tại.

Tuy vậy, chuyên gia này nhấn mạnh đến hai điểm sáng của kinh tế Việt Nam năm 2021 trong bối cảnh khó khăn và phức tạp nói trên.

Thứ nhất, xuất khẩu của Việt Nam vẫn tốt. Trong năm 2021, từng có nhiều cảnh báo Việt Nam khó xuất khẩu, hoặc nhiều nhà sản xuất tháo chạy khỏi Việt Nam, tuy nhiên câu chuyện thực chất ở đây chỉ là chuyển đơn hàng. Khi chúng ta mở cửa lại vào tháng 10/2021, lập tức các đơn hàng quay trở lại.

Điểm sáng thứ hai, lần đầu tiên trong lịch sử, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khủng hoảng nhưng kinh tế vĩ mô rất ổn định. Theo ông Thành, Việt Nam vẫn áp dụng chính sách tài khóa rất thận trọng, còn về phía chính sách tiền tệ , Việt Nam đã hỗ trợ dồi dào.

“Chính sách tiền tệ tăng cường hỗ trợ như vậy nhưng các chỉ số vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát hoàn toàn ổn định, khác hẳn so với những gì Việt Nam từng trải qua cách đây 12 năm. So với nhiều nước trong khu vực, sự hỗ trợ tiền tệ của chúng ta vẫn còn khá hạn chế vì vậy thực sự cần đến chương trình hỗ trợ trong năm nay”, ông Thành nhìn nhận.

Các kịch bản điều chỉnh chính sách của Fed và ảnh hưởng đến Việt Nam

Tại hội thảo, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và tác động, ứng xử của Việt Nam là một điểm trọng tâm.

Chuyên gia của Fulbright nhìn lại: Mục tiêu của Mỹ và nhiều nước phát triển là kiềm chế lạm phát ở mức 2% thì giờ đang là 7%. Để mà cứu kinh tế trong thời kỳ dịch COVID-19 này, cho đến tháng 11/2021, mỗi tháng Fed bơm ra thị trường 120 tỷ USD, đến thời điểm này đã bơm ra 4.500 tỷ USD. Fed mua vào trái phiếu để bơm tiền in ra. Ban đầu Fed nghĩ rằng lạm phát sẽ chỉ là vấn đề tình thế, nhưng từ sau tháng 11 Fed đã giảm dần mỗi tháng 15 tỷ USD. Như vậy đến tháng 6/2022, Fed sẽ không còn bơm tiền nữa và sau đó sẽ là tăng lãi suất, đó là kế hoạch ban đầu của Fed.