Góc nhìn thời sự của câu chuyện giá vàng tăng giảm chóng mặt: Tín hiệu tích cực từ vắc-xin ngừa Covid-19, cơn báo tháo vàng và tác động của các gói hỗ trợ kinh tế

Giá vàng thế giới vừa trải qua phiên lao dốc sâu nhất trong mấy năm trở lại đây do các cảnh báo về rủi ro trở nên lạc quan sau thông tin Nga đã có thuốc ngừa Covid-19.

Cụ thể, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố Nga trở thành nước đầu tiên sản xuất vắc-xin ngăn ngừa Covid-19. Tại Mỹ, các ca mắc Covid-19 mới cũng có dấu hiệu tăng chậm lại.

Thông tin tích cực từ Nga đã thắp lên niềm tin cho nhà đầu tư trong bối cảnh khắp thế giới đang chạy đua để có được vắc xin chống Covid-19.

Những tín hiệu tích cực về việc đẩy lùi được đại dịch đã giúp cho thị trường chứng khoán phố Wall tăng cao, với chỉ số S&P 500 tăng lên gần mức cao kỷ lục (3.380 điểm). Bên cạnh đó, cơn sốt vàng có dấu hiệu hạ nhiệt.

Các nhà đầu tư đẩy mạnh bán tháo vàng sau khi giá tuột khỏi mức 2.000 USD/ounce, khiến cho giá lao dốc một mạch về sát 1.900 USD/ounce, từ mức hơn 2.032 USD trước đó.

Giá vàng là chỉ báo quan trọng thể hiện niềm tin của nhà đầu tư và các tổ chức kinh tế, đặc biệt là khối ngân hàng đối với thị trường.

Trong thế kỷ XX, giá vàng đã tăng chậm dần đều, trung bình 1,1 điểm phần trăm qua mỗi năm, nếu so sánh với mức tăng 6,5 điểm phần trăm mỗi năm của thị trường chứng khoán Mỹ.

Giá vàng có xu hướng tăng đột biến sau mỗi đợt khủng hoảng kinh tế. Trong thập niên 1970, khi cùng lúc nổ ra khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 và sự kiện chính phủ Hoa Kỳ từ bỏ chế độ bản vị vàng, tỷ giá vàng – USD đã tăng bảy lần.

Đến năm 2011, vàng đạt đỉnh 1.900 USD/ounce, sau cuộc khủng hoảng tài chính khởi đi từ năm 2008. Cơn sốt vàng từ đó đến năm 2019 chậm rãi hạ nhiệt, dòng tiền đổ vào ba kênh đầu tư chính là bất động sản, các mã cổ phiếu và trái phiếu của chính phủ Hoa Kỳ.

Không thể không kể đến tác động của FED – Cục dự trữ liên bang của Hoa Kỳ, đối với nền kinh tế Hoa Kỳ nói chung và giá vàng nói riêng.

Đóng vai trò là người điều chỉnh lãi suất đồng USD, bàn tay của FED cũng góp phần làm cho giá vàng nhảy múa.

Những đợt tăng lãi suất của FED từ 2012 – 2019 đã giúp xoa dịu giá vàng. Đến năm 2019, FED công bố hạ lãi suất xuống biên độ 2 – 2,25% bắt đầu thúc giá vàng đi lên trở lại. Khi lãi suất ngắn hạn giảm, các nhà đầu tư Hoa Kỳ sẽ chuyển sang kênh đầu tư dài hạn mà các trái phiếu chính phủ là kênh ưa thích của họ. Thế nhưng lãi suất kênh đầu tư này cũng giảm, chỉ còn 0,6% một năm.

Ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 là nguyên nhân hàng đầu làm tăng giá vàng trong năm 2020. Các biện pháp phong tỏa, cách ly và giãn cách xã hội để chống dịch dù ngắn hay dài, ở phạm vi quốc gia hay quốc tế đều làm đình trệ các chuỗi cung ứng, làm thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, giảm sút động lực tăng trưởng, nguồn thuế, tiền lương…

Đồng thời, dịch Covid-19 còn làm giảm tổng cầu thị trường dầu mỏ thế giới, làm tăng nạn thất nghiệp và đổ vỡ các hợp đồng kinh tế; thu hẹp hoặc làm mất đi cơ hội kinh doanh vi mô và vĩ mô, tăng rủi ro cho cổ phiếu và trái phiếu của cả các doanh nghiệp to, nhỏ ở cả nước phát triển hay nước đang phát triển, không phân biệt thể chế chính trị và mô hình kinh doanh.

Đặc biệt, các biện pháp chống đỡ dịch Covid-19 cũng làm gia tăng xu hướng nới lỏng tài chính-tiền tệ thông qua sự bùng nổ các gói hỗ trợ tài chính lên tới hàng nghìn tỷ USD và cắt giảm lãi suất tiền tệ.

Nếu đạt hiệu quả, các gói hỗ trợ này sẽ giúp tăng sức chống chịu của nền kinh tế, tăng niềm tin của xã hội vào triển vọng cơ hội đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế, kiểm soát thất nghiệp, từ đó giảm bớt sức hấp dẫn và dòng tiền trú ẩn vào vàng.