Nếu như kết thúc quý I/2020, những tác động của Covid-19 chưa thực sự ngấm vào kết quả kinh doanh của các nhà băng do dịch bắt đầu diễn biến phức tạp từ tuần thứ hai của tháng 3, thì đến quý II mọi chuyện đã khác.
Hàng loạt gói lãi suất cho vay ưu đãi, tái cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi cho khách hàng, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán, nợ xấu tăng lên cùng yêu cầu trích lập dự phòng là những yếu tố được dự báo sẽ kéo mạnh lợi nhuận của các ngân hàng trong mùa dịch.
Dù vậy, kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm từ những thành viên đầu tiên vừa công bố lại cho thấy một bức tranh vẫn khá khả quan.
Thông tin mới từ ngân hàng TPBank cho biết, đến cuối quý II/2020, tổng tài sản của ngân hàng này đã đạt 181 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ 2019, vượt kế hoạch đặt ra cho cả năm.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của TPBank đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 25,6% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải của lãnh đạo TPBank, kết quả kinh doanh nửa đầu 2020 tiếp tục khả quan bất chấp những khó khăn do dịch Covid-19 là nhờ chiến lược tập trung phát triển ngân hàng số, giúp giảm thiểu lệ thuộc vào tín dụng và tăng được tỷ trọng thu ngoài lãi.
Một thành viên khác là Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đạt kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm.
Theo một số thông tin vừa cập nhật cơ bản, 6 tháng đầu năm, tín dụng của MB vẫn giữ ở mức khá với mức tăng 8,3% so với cuối năm trước. Huy động vốn phù hợp với nhu cầu tín dụng, đồng thời, ngân hàng chú trọng thu hút nguồn vốn giá rẻ, CASA trong quý II/2020 tăng 2% so với quý trước.
Đại diện MB cũng cho biết, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng doanh thu trong kỳ vẫn tăng trưởng tốt nhờ tận dụng các cơ hội kinh doanh tốt từ thị trường 2, đẩy mạnh kinh doanh ngoại tệ, trái phiếu, theo đó, mảng này đóng góp tới 20% doanh thu của MB.
Các hoạt động kinh doanh ngoại hối, phái sinh cũng tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm MB đẩy mạnh giao dịch giúp thu về 707 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ.
Ngoài ra, ngân hàng cũng thực hiện tiết giảm chi phí, tỷ lệ CIR chỉ ở quanh mức 31,8%, giảm 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ.
Theo đó, kết thúc 6 tháng đầu năm, MB ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 4.539 tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với kết quả đạt được cùng kỳ năm trước và hoàn thành trên 50% kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất cũng tăng trưởng 5% so với cùng kỳ. Chỉ tiêu sinh lời vẫn thuộc nhóm ngân hàng dẫn đầu với ROE đạt 18,32%, ROA là 1,81%.
Còn tại Vietcombank, cập nhật tình hình kinh doanh mới nhất, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giảm đốc ngân hàng cho biết, tính đến ngày 25/6, huy động vốn tăng 3,4%, tín dụng cũng tăng 3,4% so với cuối năm.
Dự kiến lợi nhuận 6 tháng của Vietcombank sẽ tương đương mức cùng kỳ năm trước, khoảng 11.300 tỷ đồng.
Về chất lượng tín dụng, ông Dũng cho biết, hiện nợ xấu vẫn đang được kiểm soát tốt, hiện chỉ chiếm 0,82% dư nợ.
Đây được xem là một kết quả khả quan trong bối cảnh Vietcombank đang thực hiện một loạt các gói hỗ trợ với quy mô lớn giúp doanh nghiệp vượt qua khói khăn.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện dư nợ đã được xem xét và cơ cấu lại nợ là khoảng 14 nghìn tỷ, thêm khoảng 10 nghìn tỷ nữa có thể được cơ cấu lại trong thời gian tới.
Tại VietinBank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, dự kiến 6 tháng đầu năm, ngân hàng sẽ đạt khoảng 6.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng khoảng 12% so với con số đạt được cùng kỳ năm trước.
Cũng như Vietcombank, hiện ngân hàng này chưa có con số lợi nhuận mục tiêu cụ thể cho năm 2020 do còn phụ thuộc vào phê duyệt của các cơ quan thẩm quyền.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank thì cho biết, dự kiến 6 tháng đầu năm, lợi nhuận ngân hàng sẽ đạt trên dưới 6.000 tỷ đồng. Theo đó, đến cuối năm VPBank có thể hoàn thành vượt từ 10 đến 20% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm (10.214 tỷ đồng).
Với ACB, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, 5 tháng đầu năm 2020, ngân hàng đã đạt 3.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, trong đó lợi nhuận của riêng ngân hàng mẹ là 3.450 tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng tích cực của mảng bancassurance và thẻ.
Theo đó, đến cuối tháng 6/2020, ACB có thể đạt tối thiểu 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm (7.636 tỷ đồng) và với tiến độ hiện tại, nhiều khả năng ACB sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, 2020 được dự báo là một năm khó khăn với cả nền kinh tế. Với vai trò là “ngành xương sống”, ngân hàng chắc chắn sẽ không là ngoại lệ.
Nợ xấu có thể sẽ tăng trong thời gian tới, trích lập dự phòng sẽ tăng, ngân hàng có thể sẽ phải hy sinh một phần lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, đối với những ngân hàng đã có sự chuẩn bị cùng chiến lược đúng đắn, một kết quả khả quan vẫn có thể được kỳ vọng trong năm nay. Và như trên, kết quả các thành viên bước đầu định hình qua 6 tháng đầu năm cho thấy tính ổn định và khả năng chống đỡ khó khăn, rủi ro có tính bất thường của hệ thống vẫn đảm bảo.