Theo đó, xếp hạng Tiền gửi dài hạn cả nội tệ và ngoại tệ, và Nhà phát hành của MSB được nâng từ B2 lên B1, đồng thời Triển vọng của hai hạng mục này đều được đánh giá là “Ổn định”. Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) và BCA điều chỉnh được nâng hạng từ b3 lên b2. Hạng mục Rủi ro xếp hạng đối tác dài hạn với tiền gửi nội ngoại tệ (long-term local and foreign currency Counterparty Risk Ratings) và Đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (long-term Counterparty Risk Assessments) tiếp tục giữ mức xếp hạng B1, không thay đổi so với báo cáo ý kiến xếp hạng Moody’s ban hành tháng 1/2021 cho MSB.
Việc MSB được Moody’s nâng hạng BCA và xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn phản ánh chất lượng tài sản của ngân hàng được cải thiện nhờ giải quyết toàn bộ số trái phiếu VAMC vào năm 2020 đồng thời giảm mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản được coi là ngành nghề rủi ro cao; cải thiện khả năng sinh lời do tỷ suất lợi nhuận ròng (NIM) cao hơn và chi phí tín dụng thấp hơn; có nguồn vốn cốt lõi ổn định trong 12-18 tháng tới theo kỳ vọng của Moody’s.
Theo tính toán ma trận xếp hạng năng lực tài chính của Moody’s, tỷ lệ nợ có vấn đề (problem loan ratio) bao gồm cả nợ xấu và trái phiếu VAMC của MSB đã giảm xuống 2% vào năm 2020 từ 4,4% trong năm 2019, trong khi tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 36% vào cuối năm 2019 xuống còn 16% vào cuối năm 2020. Đồng thời, tỷ suất sinh lời trên tài sản hữu hình của ngân hàng đã tăng lên 1,1% vào cuối năm 2020 từ 0,7% vào cuối năm 2019, do NIM tăng 88 điểm cơ bản lên 3,22%. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình trên tài sản có trọng số rủi ro đã điều chỉnh (RWA) theo Basel II ở mức 8,9% vào cuối năm 2020.
Kết quả xếp hạng tích cực của Moody’s trong đợt đánh giá vừa qua đã minh chứng cho nỗ lực của MSB trong việc giữ vững sự ổn định của hoạt động kinh doanh, nâng cao chất lượng tài sản và kiểm soát tốt các chỉ số an toàn hoạt động trong giai đoạn 2018-2020, đặc biệt là năm 2020 trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế nhiều bất ổn.
Trong quý I/2021, lợi nhuận trước thuế của MSB đạt 1.147 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, tổng tài sản ở mức xấp xỉ 187 nghìn tỷ; Tăng trưởng tín dụng quý I cũng đạt 10,5%, tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển dài như y tế, giáo dục, năng lượng tái tạo… Các chỉ số CAR, NPL được kiểm soát tốt theo quy định, đồng thời ngân hàng cũng đã bắt đầu áp dụng Basel III trong quý I/2021 sau khi hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II trước hạn trong năm 2020. Các tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROAE) và tổng tài sản (ROAA) lần lượt là 16,36% và 1,56%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) cộng dồn 4 quý gần nhất đạt 2.500 đồng/ cổ phiếu.
Trong tháng 4 vừa qua, Cổ phiếu của MSB đã lọt rổ VN Diamond, mặc dù chưa đủ thời gian 6 tháng niêm yết trên HoSE nhưng MSB lại thỏa mãn các tiêu chí khác, bao gồm: thời gian giao dịch lớn hơn 20 ngày trên HOSE, vốn hóa thị trường trung bình lớn hơn 5.000 tỷ đồng, giá trị giao dịch hàng ngày lớn hơn 15 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu nước ngoài (FOR) trung bình 12 tháng lớn hơn 95%. Quỹ ETF DCVFM VNDiamond cũng đã hoàn tất cơ cấu danh mục vào ngày 29/4, theo đó 7,6 triệu cổ phiếu MSB đã được mua vào để bổ sung vào danh mục của Quỹ.