Chị Lê Thị Minh (quê Ninh Bình) cho biết, trước khi dịch bùng phát tại Bắc Ninh vừa qua, chị có hơn 3 năm làm việc cho một nhà máy tại huyện Yên Phong. Khi dịch bùng phát đầu tháng 5 chị đã lựa chọn tạm thời nghỉ việc về quê tránh dịch. “Hơn 2 tháng nay, Bắc Ninh nhận LĐ từ tỉnh khác trở lại làm việc. Công ty cũ cũng gọi tôi quay lại, nhưng thấy dịch vẫn khó đoán nên tôi chưa dám đi làm lại”, chị Minh nói.
Ngày 26/8, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng phòng Việc làm (Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh) cho biết, từ cuối tháng 6 vừa qua, tỉnh đã cho phép người LĐ địa phương khác trở lại Bắc Ninh làm việc. “Hiện tại, số LĐ trở lại làm trong các khu công nghiệp đã bằng 94% so với số LĐ làm việc lúc chưa có dịch. Tuy nhiên, nhu cầu tuyển dụng LĐ của các DN trên địa bàn còn rất lớn, thiếu LĐ vẫn xảy ra”, ông Tuấn nói. Theo ông Tuấn, số LĐ chưa trở lại tỉnh có thể còn lo ngại dịch bệnh tái bùng phát, nên ở lại quê đợi khi hết dịch mới trở lại.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, khi dịch chưa bùng phát, địa phương có trên 38.000 DN sử dụng hơn 1,2 triệu LĐ. Tới hết tháng 7 vừa qua, Đồng Nai chỉ còn gần 1.200 DN duy trì sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với trên 130.000 LĐ; đã có trên 316.000 LĐ bị ngừng việc. Theo bà Hiền, các DN đều có đơn hàng ổn định, nhưng gặp khó trong sản xuất; một số DN nỗ lực duy trì sản xuất nhưng thiếu LĐ. Bên cạnh đó, hiện còn nhiều LĐ tạm trú để làm việc trên địa bàn có nhu cầu được hỗ trợ để về quê.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, tính tới hết tháng 7, toàn tỉnh có gần 4.500 DN tạm ngưng hoạt động hoặc hoạt động một phần nhỏ do không đáp ứng được yêu cầu “3 tại chỗ”. Trong đó, có hơn 162 nghìn LĐ phải ngừng, giảm hoặc mất việc làm.
Tìm cách giữ chân lao động
Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết, hiện tại, 80% số DN trong khu công nghiệp vẫn hoạt động số còn lại phải dừng, hoặc hoạt động cầm chừng do không đáp ứng “3 tại chỗ”. Về nguồn LĐ, Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội gấp nên đa số người LĐ vẫn ở lại, khi DN được hoạt động trở lại, nguồn cung LĐ sẽ không đáng ngại. “Một số tỉnh thành có thông báo về giãn cách xã hội từ sớm nên công nhân đã kịp về quê trước khi hạn chế đi lại. Khi dịch được khống chế, hoạt động sản xuất trở lại chắc chắn các địa phương đó sẽ thiếu LĐ. Sau mỗi dịp nghỉ Tết, DN còn thiếu LĐ, nói gì giờ lại dịch bệnh”, ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho rằng, khi dịch được khống chế, chắc chắn một số trung tâm công nghiệp lớn sẽ thiếu LĐ trầm trọng. Khi xảy ra dịch bệnh, người LĐ mất việc làm nhưng không được hỗ trợ kịp thời, đối mặt với thiếu ăn, thiếu ở, thiếu điện, nước, họ phải bất chấp hiểm nguy kéo nhau về quê.
“Khi LĐ đã về quê sẽ rất khó để họ trở lại làm việc ngay, vì thực tế ở quê họ vẫn sống tốt. Nhiều người chất hết gia tài lên xe máy đi cả nghìn cây số thì họ đã xác định sẽ ở quê dài hạn chờ dịch bệnh hết hẳn mới trở lại nhà máy”, ông Đàm nói. Ông Đàm đề xuất các địa phương có chính sách hỗ trợ LĐ ngoài tỉnh ở trọ và làm việc trên địa bàn, qua đó vừa hạn chế lây lan dịch bệnh, vừa có sẵn nguồn LĐ để phục hồi sản xuất ngay sau dịch.
Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2021, đã có gần 12,8 triệu LÐ bị mất việc, giảm giờ làm và thu nhập, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Sở LÐ-TB&XH Bà Rịa – Vũng Tàu cũng vừa có văn bản đề nghị Bộ LÐ-TB&XH xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ với LÐ ngoài tỉnh làm việc trong các DN gặp khó khăn được hỗ trợ tiền nhà, điện, nước…