Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo nhận định về ngân hàng Vietcombank.
Nhóm phân tích của VDSC đánh giá, trong quý 1/2020, thu nhập của ngân hàng chỉ tăng khiêm tốn, lợi nhuận giảm do đẩy mạnh dự phòng. Trong đó, thu nhập hoạt động tăng 4,4% so với cùng kỳ và tăng trưởng khiêm tốn ở cả thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ, trong khi thu nhập từ các hoạt động khác (trừ kinh doanh ngoại hối) có xu hướng giảm.
Mức tăng trưởng thu nhập lãi 6,3% so với cùng kỳ là nhờ tín dụng tăng 12% so với cùng kỳ (tăng 2,8% so với đầu năm) trong khi NIM giảm nhẹ 12bps. Thu nhập dịch vụ chỉ tăng nhẹ 5,4% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng khá tốt ở mức 19,3% trong khi thu nhập từ các hoạt động khác giảm 10,9% và mua bán chứng khoán phát sinh lỗ 54 tỷ đồng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động tăng trưởng nhanh hơn so với thu nhập hoạt động với mức tăng 12%, khiến lợi nhuận trước dự phòng chỉ đi ngang so với cùng kỳ. VCB cũng đẩy mạnh chi phí dự phòng tăng thêm 42,9% so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận trước thuế giảm 11,1%.
VDSC cho rằng, trong năm 2020, tăng trưởng của Vietcombank sẽ khiêm tốn do tăng cường miễn giảm lãi, cơ cấu nợ.
Cụ thể, với tác động của Covid-19, VDSC giảm dự báo tăng trưởng tín dụng xuống còn 13,0% và kỳ vọng sẽ tăng trở lại 15% vào năm 2021. NIM 2020 của Vietcombank cũng được dự báo sẽ giảm 7bps xuống còn 3,06% chủ yếu do ngân hàng tăng cường miễn giảm lãi, cơ cấu nợ để hỗ trợ khách hàng.
Với việc chính thức triển khai thỏa thuận bancassurance độc quyền với FWD kể từ tháng 4, nhóm phân tích hy vọng thu nhập dịch vụ sẽ tăng tốc kể từ năm nay (dự báo 38,7%), tương đương với 11,3% thu nhập hoạt động.
CIR dự báo giảm nhẹ 1ppt xuống 36,3% nhờ các nỗ lực kiểm soát chi phí. Dự phòng rất có thể sẽ được trích lập mạnh nhằm dự trù cho các khoản nợ xấu có thể phát sinh, dự báo chi phí dự phòng sẽ tăng 81,0% (không tính phần trích lập với khoản vay cho các TCTD khác).
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chưa bị ảnh hưởng nhiều khi chỉ tăng nhẹ từ 0,79% lên 0,82% trong quí I/2020. Vietcombank cũng cho biết tỉ lệ các khoản nợ được gia hạn/tái cơ cấu đến nay vẫn còn tương đối nhỏ.
Theo VDSC, tuy nhiên, các tác động của COVID-19 cần thời gian để có thể được phản ánh vào tỷ lệ nợ xấu, đặc biệt là khi tỉ lệ nợ nhóm 2 đã tăng từ 0,33% vào cuối 2019 lên 0,67%.
Để chuẩn bị cho nợ xấu có thể phát sinh, Vietcombank đã trích lập gần 4.000 tỷ đồng dự phòng trong quí 1, tương đương với cả năm 2019. Theo đó, nếu không tính khoản hoàn nhập dự phòng 2.000 tỷ thì thực ra chi phí dự phòng đã tăng tới 181,5%.
Với việc trích lập mạnh dự phòng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu được nâng lên tới 235%, từ mức 179,5% vốn đã rất cao trong năm 2019. Việc trích lập này cũng khá phù hợp với phương pháp thận trọng của Vietcombank từ trước đến nay.
VDSC cho rằng với tỷ lệ nợ xấu thấp và tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất cao hiện nay, Vietcombank đang có một bộ đệm dự phòng hợp lý để dự trù cho khả năng suy giảm chất lượng khoản vay trong các quý tới.
Chi phí dự phòng khoản vay khách hàng sẽ tăng 81 trong năm nay. Nếu tính thêm khoản 2.000 tỷ hoàn nhập dự phòng cho các tổ chức tín dụng khác, chi phí dự phòng dự báo đi ngang so với 2019 (ở mức 6.800 tỷ).
Với ảnh hưởng của Covid-19, VDSC giảm dự báo tăng trưởng lợi nhuận lõi trong năm 2020 xuống còn 7,5% trên cơ sở tăng trưởng tín dụng, NIM, tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn và dự báo chi phí dự phòng cao hơn. Nếu tính thêm thu nhập từ ghi nhận một phần phí trả trước từ thỏa thuận với FWD (giả định chia đều trong 5 năm), tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 có thể đạt 16%.