Thị trường tiền tệ quốc tế phiên đầu tuần trầm lắng trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi dữ liệu tăng trưởng kinh tế của Mỹ và các cuộc họp của ngân hàng trung ương khu vực đồng Euro, Nhật Bản và Canada.
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt của Mỹ – trong phiên giao dịch sáng 25/10 ở Châu Á lao dốc xuống mức thấp nhất một tháng, tiếp tục xu hướng giảm từ thứ Sáu (22/10), sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, nói rằng chưa đến lúc để bắt đầu tăng lãi suất.
Tuy nhiên, đến trưa 22/10 theo giờ Việt Nam, Dollar index bắt đầu đảo chiều đi lên, tối cùng ngày tăng 0,1% so với đóng cửa phiên giao dịch liền trước, lên 93,726, sau khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm lấy lại mức cao gần đây.
Trong khi đó, mặc dù ông Powell nói rằng chưa bắt đầu tăng lãi suất, song ông cảnh báo về áp lực lạm phát, và nói rằng đã đến lúc Fed giảm việc mua trái phiếu hàng tháng.
Kim Mundy, nhà phân tích tiền tệ của Commonwealth Bank of Australia ở Sydney, cho biết: “Tương lai của đồng USD vẫn nghiêng về phía tăng giá”.
Các nhà phân tích cho biết sự phục hồi của đồng đô la cũng được hỗ trợ bởi đồng euro giảm 0,2% xuống 1,1625 USD trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), vào thứ Năm (29/10). Cả Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến sẽ không điều chỉnh chính sách trong kỳ họp tháng này.
Jeremy Thomson-Cook, chuyên gia kinh tế của Equals Money cho biết: “(Các nhà hoạch định chính sách của ECB) không có cách nào khác ngoài việc thừa nhận rằng lạm phát đã tăng cao hơn, nhưng họ cũng không muốn bị lôi kéo vào một ‘trò chơi kỳ vọng’ dựa trên sự ôn hòa của ECB”. Theo ông: “Các dữ liệu lạm phát và tăng trưởng sẽ được ông bố trong tuần này, qua đó có – điều chúng tôi mong đợi sẽ tiếp tục cho phép đồng euro suy yếu thêm nữa trong tương lai.”
Đồng đô la cũng tăng so với đồng yên Nhật, tăng 0,2% lên 113,68 JPY. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản cuối tuần này sẽ nhóm họp, nhưng cũng giống như ECB, ngân hàng này dự kiến sẽ không thay đổi lập trường chính sách ôn hòa của mình.
Nhưng đồng tiền của Mỹ đã không phục hồi so với tất cả các đồng tiền đối tác của Mỹ, khi mà các loại tiền tệ hàng hóa như đô la Australia, đô la Canada và đô la New Zealand đều đang được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng.
“Yếu tố hỗ trợ USD mạnh lên (kỳ vọng lãi suất của Mỹ tăng) tháng này đã bị lu mờ do tâm lý chuộng tài sản rủi ro của các nhà đầu tư trên toàn cầu trỗi dậy và lãi suất của nhiều nền kinh tế G10 khác ngoài Mỹ gia tăng”, Lee Hardman, nhà phân tích của MUFG cho biết, và thêm rằng: “Do chênh lệch lãi suất nên việc Fed sẽ nâng lãi suất cũng không hỗ trợ đáng kể cho USD. Trường hợp đồng đô la Mỹ mạnh hơn sẽ hấp dẫn hơn so với các đồng tiền G10 có lợi suất thấp (EUR, CHF và JPY), nơi những người tham gia thị trường cảm thấy thoải mái hơn khi các ngân hàng trung ương của các nước có những đồng tiền trên giữ tỷ lệ lãi suất thấp mặc dù lạm phát tăng”.
Dữ liệu lạm phát của Australia, sẽ được công bố vào thứ Tư (28/10), có khả năng tạo ra cuộc tranh luận giữa các nhà giao dịch về chính sách tiền tệ tiếp theo của Canada, trong bối cảnh ngân hàng trung ương nước này cho đến nay vẫn cương quyết giữ thái độ ôn hòa. Ngân hàng trung ương Canada sẽ họp vào thứ Tư, 28/10, trong bối cảnh chi phí nhà ở tăng cao, giá thực phẩm và nhiên liệu cũng tăng.
Đến thứ Năm (29/10), Mỹ sẽ công bố dữ liệu về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3, nếu cho thấy sự suy giảm (như dự kiến) thì Fed có thể sẽ chịu áp lực trong việc điều chỉnh chính sách, kể cả khi lạm phát vẫn tương đối cao.
Đồng bảng Anh tăng giá bởi các nhà phân tích cho rằng có tới 60% khả năng Ngân hàng Anh tăng lãi suất vào tuần tới. Bảng Anh cuối ngày 25/10 tăng 0,2% lên 1,3781 đô la, mặc dù vẫn thấp hơn mức cao đạt được vào tuần trước.
Trong một diễn biến khác, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong 5 tháng, là 6,3782 CNY, trong khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống mức thấp kỷ lục mới sau khi tỷ giá bất ngờ bị cắt giảm vào tuần trước.
Tuần trước, CNY đã tăng giá mạnh nhất trong vòng 5 tháng so với USD do việc các doanh nghiệp bán mạnh USD ra.
Các nhà giao dịch vẫn chú ý đến vấn đề rắc rối của công ty phát triển bất động sản nặng nợ China Evergrande Group, và họ đã ngạc nhiên khi tình trạng vỡ nợ được ngăn chặn bởi việc công ty này đến phút chót đã thanh toán được khoảng nợ trái phiếu USD vào tuần trước.
Đối với những tiền tệ Châu Á khác, ngoại trừ rupiah, ringgit và peso giảm giá so với USD, các đồng tiền khác đều tăng trong phiên 25/10.