Đi làm thêm chính là cách để các bạn có thể đặt mình vào môi trường thực tế, thử thách bản thân để hoàn thiện kỹ năng, học hỏi kiến thức từ kinh nghiệm thực tế. Chủ động đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, hỗ trợ cho kiến thức và kỹ năng là một điều rất tốt. Tuy nhiên, có nhiều bạn sinh viên lại không thể cân bằng thời gian cho cả hai việc. Phó mặc chuyện học, bỏ học đi làm, thiếu trách nhiệm trong công việc hay không dành đủ thời gian cho bản thân, dẫn đến stress,… là những tình trạng phổ biến khi sinh viên vừa đi học vừa đi làm. Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn độc quyền với cô Hải Huyền, Founder của Bess Career, dự án phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ đào tạo, định hướng và phát triển sự nghiệp cho các bạn sinh viên, để được nghe chia sẻ về giải pháp giúp cho các bạn trẻ có thể cân bằng việc học và làm, đặc biệt trong quãng thời gian sinh viên đại học.
Thưa cô, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên, làm như thế nào để quản lý thời gian hiệu quả?
Đa số sinh viên hiện nay không còn chỉ học trên trường mà còn đi làm thêm, thực tập, cũng như tham gia hoạt động trong các câu lạc bộ. Do đó, các em có thể cảm thấy khó khăn trong việc sắp xếp thời gian cho tất cả hoạt động đó. Để có thể quản lý thời gian giữa việc học và các công việc khác, các em có thể tham khảo theo quy trình 6 bước sau.
Đầu tiên, các em cần phải xác định rõ kết quả mong muốn cho giai đoạn này. Ví dụ, đầu ra cho giai đoạn sinh viên là những kiến thức nền tảng của bậc đại học và trải nghiệm công việc thực tiễn. Bởi vì giai đoạn sinh viên là giai đoạn mà các em cần chuẩn bị cho mình bộ nền tảng kiến thức vững chắc như kiến thức về tư tưởng, về triết học, kiến thức chuyên ngành và trải nghiệm để tìm hiểu và tìm ra công việc phù hợp với bản thân.
Bước hai, các em sẽ phải chia nhỏ giai đoạn và đặt mục tiêu cho từng giai đoạn đó. Ví dụ, trong năm nhất, các em đặt mục tiêu ưu tiên cho việc học lý thuyết nhiều hơn việc đi trải nghiệm. Trong bước này, các em nên chia theo tỷ lệ % tập trung cho học lý thuyết nền tảng và tỷ lệ dành cho việc trải nghiệm công việc thực tiễn.
Bước ba, sau khi các em đã đặt cho mình được mục tiêu và xác định được kết quả mong muốn cuối cùng, các em sẽ chia nhỏ mục tiêu cho đến từng tuần. Ví dụ, em đang ở năm cuối đại học và ưu tiên nhiều cho việc trải nghiệm và làm việc ở bên ngoài thì thời gian mà mình dành cho công việc đó nhiều hơn, dài hơn. Lý do chúng ta cần chia nhỏ như vậy là để biết được, trong từng tuần hoặc từng tháng, các em có mục tiêu gì, mong muốn gì.
Bước bốn, để đạt được mục tiêu như vậy, các em cần phải liệt kê chi tiết các công việc.
Bước năm, các em sẽ bắt đầu thực hiện những công việc đã đề ra. Bởi vì thường trước khi mà đến đến bước cuối cùng thì cô nói một chút ở cái bước này. Theo như cô quan sát, đây là bước gần các em nhất và cũng là bước gây áp lực nhiều nhất trong cái việc quản lý thời gian. Các em nên có một cuốn sổ ghi chép hoặc note vào điện thoại những kết quả mà mình đã làm theo kế hoạch, mục tiêu đề ra. Việc làm này sẽ giúp các em biết năng lực hiện tại của mình đang ở đâu.
Bước sáu, từ những kết quả đó, các em sẽ có sự nhìn nhận lại và đưa ra phương hướng điều chỉnh. Ví dụ, em không đạt được mục tiêu tháng này thì có thể là mục tiêu cần chia nhỏ hơn nữa hoặc tìm thêm nguồn lực giúp em đạt được mục tiêu này. Bên cạnh đó, các em cũng nên tìm cho mình những người thầy trong học tập, công việc để được chỉ dẫn, đào tạo tốt hơn.
Một số bạn cảm thấy không thể học và làm cùng một lúc và chỉ có thể lựa chọn 1. Vậy làm thế nào để cân bằng được việc học và đi làm?
Vấn đề cốt lõi của việc không thể vừa học vừa làm hay phải lựa chọn 1 trong 2 là chưa tìm ra điểm liên kết giữa hai việc đó. Bởi học là để phục vụ, hỗ trợ cho việc làm và làm là để mình tìm ra những điều cần phải học thêm. Các bạn cần hiểu rằng học và làm là hai việc hỗ trợ lẫn nhau. Nếu các bạn đã chọn đúng môi trường làm việc phù hợp thì những kiến thức, tư duy bạn học được qua việc làm sẽ giúp bạn tư duy tốt hơn trong việc học, có cách học hiệu quả hơn, tìm được đúng nguồn học. Giải pháp tốt nhất cho các bạn vẫn còn đang “mắc kẹt” giữa việc học và làm là quản lý thời gian, chia tỷ lệ ưu tiên, làm theo 6 bước cô đã chia sẻ bên trên.
Sinh viên làm thế nào để biết mình đang học và làm đúng hướng?Trong chuyên môn Nhân sự của cô, đây là vấn đề về Lộ trình phát triển sự nghiệp. Để biết mình có đi đúng đường không, các bạn cần phải tự vẽ ra con đường cho chính mình trước. Đầu tiên, các bạn cần biết mình muốn trở thành ai và mô tả công việc đó. Thứ hai, các bạn cần xác định năng lực hiện tại của mình. Khi đó, bạn có thể xuất phát từ năng lực hiện tại và thăng tiến lên vị trí mong muốn cuối cùng hay còn gọi là lộ trình thăng tiến. Một lộ trình thăng tiến từ đầu có thể đi từ thực tập sinh, chuyên viên, đến chuyên gia, các cấp quản lý và cuối cùng là một người làm chủ. Khi đã xác định được lộ trình phát triển sự nghiệp cho mình, các bạn có thể đánh giá và xác định con đường học hay làm của mình có đang đi đúng hướng không.
Các bạn trẻ nên chọn cuộc sống tập trung cho công việc gia đình hay những công việc cống hiến to lớn cho xã hội ở bên ngoài?
Đối với cô, cô không thấy có sự mâu thuẫn giữa công việc gia đình và những cống hiến cho xã hội. Bởi vì, nếu em trải nghiệm đủ hoặc em có đủ kiến thức thì em có thể cân bằng được cả 2 việc đó. Hạnh phúc sẽ đến từ việc mình cống hiến được gì, mình giải quyết được vấn đề gì cho người khác. Khi được công nhận và tôn trọng, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy mình có giá trị.
Giải thích thêm về nhu cầu được công nhận, tháp nhu cầu Maslow đã chỉ ra các cấp bậc nhu cầu khác nhau. Cấp bậc nhu cầu đầu tiên của mình là nhu cầu về ăn uống, ngủ nghỉ, và cao nhất là nhu cầu được thể hiện được bản thân. Đó là lý do tại sao em thấy có những người rất muốn cống hiến, giải quyết các vấn đề của xã hội. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển lên nữa, các bạn không có tư duy, kỹ năng giải quyết các vấn đề khó có thể sẽ bị bối rối, lo lắng hay sợ hãi. Những người cống hiến cho xã hội sẽ dần quen với cách giải quyết nhiều vấn đề khó. Đối với các bạn sinh viên, cô khuyên các bạn nên bứt phá ra khỏi những thứ an toàn, ổn định.
Muốn tích lũy được nhiều nhất kiến thức và kinh nghiệm, các bạn nên chọn 1 môi trường hay tham gia nhiều môi trường?
Không phải đổi nhiều môi trường khác nhau thì mình chắc chắn sẽ học được nhiều kiến thức hoặc là hoặc là kinh nghiệm. Em hoàn toàn có thể học được rất nhiều kiến thức kỹ năng, đa trải nghiệm tập trung trong một môi trường. Bởi vì kiến thức và trải nghiệm có thể có được từ rất nhiều nguồn như các lớp học online, lớp học offline, những buổi thuyết trình, tài liệu, sách báo nên chúng ta không cần phụ thuộc hoàn toàn và môi trường làm việc. Đối với kinh nghiệm, để có được nhiều kinh nghiệm nhất, em cần phải biết là em cần những trải nghiệm gì, sau đó mới biết mình nên học ở đâu. Các em cần xác định công việc em đang làm cần khung năng lực như thế nào, nằm ở đâu trên lộ trình phát triển.
Vâng xin cảm ơn cô về những chia sẻ rất chi tiết và hữu ích vừa rồi ạ, hi vọng sẽ có nhiều dịp được nghe cô chia sẻ thêm về những chủ đề khác.
Link video phỏng vấn chi tiết các bạn có thể xem tại: https://youtube.com/playlist?list=PL9MwSQMLLYacE5ScFASN-14qPrXYbQx1Z assPassPass
Về tác giả:
Mrs. Hải Huyền là nhà sáng lập dự án đào tạo cộng đồng Bess Career nhằm hỗ trợ đào tạo, định hướng và phát triển sự nghiệp cho các bạn sinh viên Việt Nam; đồng thời cô là Co – Founder của Bhomes Academy – học viện đào tạo và phát triển nhân sự đầu tiên trong ngành bất động sản tại Việt Nam. Trước đó, cô từng là Founder&CEO BST English Center. Cô đã có hơn 13 năm tham gia vào ngành Giáo dục và Đào tạo, tập trung vào việc xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp và đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc của nhân sự trẻ trong các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Các bạn có thể tìm hiểu chi tiết và liên hệ với Mrs. Hải Huyền qua:
Fanpage chính thức của cô Hải Huyền: https://www.facebook.com/haihuyenmia
Profile cá nhân của cô Hải Huyền: https://www.facebook.com/haihuyenbc
Kênh Youtube chính thức của cô Hải Huyền: https://www.youtube.com/channel/UC2YfRcEyzJJ_-VXb16axQUQ
Fanpage Bess Career: https://www.facebook.com/BessCareer