CHUYÊN GIA QUẢN TRỊ NHÂN SỰ HẢI HUYỀN VÀ GIẢI PHÁP GIÚP SINH VIÊN RA TRƯỜNG CHỌN ĐƯỢC CÔNG VIỆC PHÙ HỢP

CHUYÊN GIA QUẢN TRỊ NHÂN SỰ HẢI HUYỀN VÀ GIẢI PHÁP GIÚP SINH VIÊN RA TRƯỜNG CHỌN ĐƯỢC CÔNG VIỆC PHÙ HỢP

Bắt đầu sự nghiệp khi là một sinh viên mới tốt nghiệp luôn là thử thách. Đại dịch Covid-19 tàn phá các doanh nghiệp, làm cạn kiệt nguồn thu và gây làn sóng sa thải thì việc có được công việc còn vất vả hơn nữa. Hôm nay, hãy cùng nghe chuyên gia quản trị nhân sự Hải Huyền, Founder của Bess Career, dự án phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ đào tạo, định hướng và phát triển sự nghiệp cho các bạn sinh viên, chia sẻ giải pháp giúp sinh viên xác định được con đường phát triển sự nghiệp cho mình.

   Chuyên gia Quản trị Nhân sự Hải Huyền

Thưa cô, tại sao các bạn sinh viên cần định hướng và lộ trình phát triển sự nghiệp cho mình?

Về bản chất, chúng ta làm bất cứ một việc gì đều cần có đích đến, có con đường. Và hiện tại, các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên gặp vấn đề khi lựa chọn ngành nghề, con đường phát triển sự nghiệp và gặp nhiều hậu quả. Thực tế, trên thế giới, các công việc đã thay đổi và phức tạp lên rất nhiều bởi tác động của các yếu tố vĩ mô. Trong tương lai, các công việc, ngành nghề mới xuất hiện và đòi hỏi người lao động cần có năng lực cao, đa chuyên môn, có khả năng thích ứng. Nhiều ngành nghề cũ, đơn giản sẽ dần mất đi bởi sự phát triển của công nghệ và AI.

Thứ hai, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang xảy ra tình trạng nhảy việc rất nhiều, đặc biệt ở các bạn trẻ. Tần suất nhảy việc của một người cũng khá liên tục. Tình trạng này càng đẩy mạnh tính cạnh tranh trong quá trình tìm kiếm và xin việc mới của các bạn trẻ. Bên cạnh đó, một tình trạng cũng khá phổ biến trong những năm gần đây được gọi là The Great Resignation, mang nghĩa số lượng người bỏ việc rất lớn. Người ta dự đoán rằng, hơn 20% số lượng người lao động sẽ bỏ việc vào năm 2022. Tình trạng này xảy ra nhiều hơn sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không hẳn là do covid mà nó đã diễn ra gần một thập kỷ và Covid-19 chỉ đẩy nhanh tình trạng này hơn, do những áp lực về mặt tinh thần và về mặt vật chất. Yếu tố thứ ba có thể nhận thấy là xu hướng “hybrid working”. Đây là sự kết hợp giữa làm việc truyền thống và làm việc tại nhà (Work from home), làm việc từ xa (Remote working), khi mà người lao động có thể linh hoạt chọn cố định ngày trong tuần, trong tháng hoặc khi thực sự cần thiết để có mặt tại văn phòng. Điều này dẫn đến việc năng lực của người làm việc cần phải chuẩn bị cho xu hướng đó.

Cuối cùng, ở Việt Nam, việc định hướng lộ trình phát triển cho mỗi người, đặc biệt cho các bạn trẻ, đang không được coi trọng. Việc thiếu thông tin và không được định hướng ngành nghề là một rào cản cực kỳ lớn khiến các bạn khó phát triển sự nghiệp thành công. Việc không được định hướng sẽ dẫn đến sự mông lung và mất thời gian rất lâu để có thể tìm được cho mình một ngành nghề phù hợp. Điều này làm các bạn bị hụt hơi trong cuộc đua với những người khác để có được thành công, thậm chí đi lệch ra khỏi đường đua. Hơn nữa việc không có nhiều thông tin định hướng làm chúng ta có tâm lý chủ quan và xem nhẹ việc lựa chọn ngành nghề dẫn đến việc chọn bừa một nghề để học khiến cho việc phù hợp trở nên rất may rủi.

Lộ trình thăng tiến được hiểu như thế nào để các bạn trẻ có thể định hướng cho chính mình khi bắt đầu sự nghiệp?

Khi làm bất cứ công việc gì, chúng ta đều có một điểm bắt đầu, điểm kết thúc và các mốc ở giữa. Lộ trình phát triển sự nghiệp, còn gọi là roadmap, của một người cũng như vậy. Đối với đích đến cuối cùng của sự nghiệp, các em có thể lựa chọn trở thành một chuyên gia, một người quản lý hoặc một người làm chủ. Nếu thích làm các công việc kỹ thuật, máy móc công cụ thì các em có thể sẽ phù hợp với đích đến là chuyên gia trong một lĩnh vực. Đích đến là một người quản lý cấp cao sẽ phù hợp với các bạn có tính kỷ luật, tư duy hệ thống và thích làm việc với con người. Cuối cùng, các bạn thích khám phá, thích giải quyết các vấn đề lớn của xã hội sẽ phù hợp với vai trò làm chủ doanh nghiệp.

Với 3 đích đến cuối cùng của sự nghiệp như vậy, các em cũng có 3 hướng để lựa chọn bắt đầu. Các em có thể bắt đầu sự nghiệp từ một vị trí chuyên môn, thường được gọi là chuyên viên. Đây là lựa chọn khá phổ biến tại Việt Nam bởi vì điểm bắt đầu là chuyên môn không cần yêu cầu năng lực quá cao, ai cũng có thể bắt đầu ở vị trí này được. Nếu em muốn bắt đầu từ một người quản lý thì có thể dựa vào nguồn lực gia đình như đã có công ty riêng hoặc học lên bậc cao hơn để có đủ năng lực làm quản lý. Cuối cùng, nếu em muốn làm chủ ngay từ đầu thì có thể gia đình em cần có công ty riêng, hoặc em có nền tảng gia đình, tài chính khá tốt, điều đó sẽ giúp em dễ dàng bắt đầu hơn.

Hơn nữa, để từ điểm khởi đầu có thể đạt tới đích đến cuối cùng, các em cần trải qua các cột mốc như học việc, sau đó trở thành thực tập sinh, phát triển lên thành chuyên viên, và sau đó lên đến quản lý cấp trung, quản lý cấp cao hoặc cuối cùng là tiến đến làm chủ. Và tất nhiên, với mỗi cột mốc mà các em đưa ra có rất là nhiều phần nội hàm bên trong mà trong buổi hôm nay cô chưa thể giải thích chi tiết với các em được.

 

Vậy trong thực tiễn để lựa chọn được nghề phù hợp, các bạn có những lựa chọn nghề như thế nào?

Các bạn thường nhắc đến nghề rất nhiều nhưng không rất ít bạn chủ động tìm hiểu thực sự nghề là gì, nó có lịch sử phát triển như thế nào, và có bao nhiêu loại nghề trên thế giới và ở Việt Nam. Thiếu kiến thức về nghề là một vấn đề nghiêm trọng dẫn đến việc chọn sai và gây ra tình trạng chán nản với công việc, lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc,…

Về bản chất, nghề là “một vị trí công việc của một người trong một tổ chức và tổ chức đó đang kinh doanh trong một ngành nhất định.” Nghề thường được hiểu là một việc làm có tính ổn định, đem lại thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống cho mỗi người. Tất nhiên nghề không chỉ dùng để kiếm tiền duy trì cuộc sống mà thông qua nghề chúng ta có thể bộc lộ những phẩm chất , năng lực và đóng góp những giá trị cho xã hội. Trong quá trình làm nghề, chúng ta sẽ không ngừng học hỏi, trau dồi các kiến thức kĩ năng. Những điều này giúp chúng ta ngày một tốt hơn trong việc tạo nên những sản phẩm khác nhau. Từ đó đem lại lợi ích, giải quyết các vấn đề cho xã hội. 

Một nghề có thể bao gồm nhiều những chuyên môn khác nhau. Ví dụ nghề giáo viên bạn có thể có chuyên môn về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tâm lý… Nghề xuất hiện trong lịch sử từ khi có phân công lao động. Trong thời kỳ công xã nguyên thuỷ, giai đoạn này sự phân công lao động mang tính tự phát, để bảo tồn cuộc sống, có 2 nghề là săn bắn và hái lượm. Với sự phát triển của sản xuất, cùng sự hoàn thiện của công cụ lao động, cuộc đại phân công lao động lần thứ nhất khiến nhiều bộ lạc chuyển sang trồng trọt và chăn nuôi. Hai nghề mới ra đời là trồng trọt và chăn nuôi. Cuộc đại phân công lao động lần lần thứ hai tách thủ công nghiệp ra khỏi trồng trọt, tạo nên nhiều nghề mới như: rèn, đồ gốm, dệt vải, may mặc…Theo đà phát triển của sản xuất, máy móc ra đời, dẫn tới sự biến đổi từ phương thức sản xuất thủ công đơn chiếc sang sản xuất dây chuyền, rồi cơ giới hoá, điện khí hoá, làm xuất hiện hàng nghìn nghề trong danh sách nghề hiện nay. Ngày nay, gắn liền với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, kéo theo một loạt nghề biến mất và nhiều nghề mới xuất hiện. Thống kê chỉ ra mỗi năm thế giới có khoảng 500 nghề mất đi và 600 nghề mới xuất hiện. Do đặc điểm của nền kinh tế khác nhau, các quốc gia có thể tồn tại những nghề khác nhau. Ở Việt Nam mỗi năm đào tạo tổng khoảng 300 nghề ở cả đại học, cao đẳng và trường đào tạo nghề.

Về cơ bản, chúng ta có 3 cấp bậc nghề như cô đã nhắc đến ở câu hỏi trước và 6 nghề chuyên môn: (1) R&D, (2) Sản xuất, (3) Phân phối và Bán hàng, (4) Truyền thông, (5) Nhân sự, (6) Tài chính. Người làm R&D sẽ làm những công việc như nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, thiết kế khung giải pháp, thiết kế sản phẩm mẫu, kiểm nghiệm sản phẩm mẫu và chuyển giao sản phẩm mẫu cho phòng sản xuất. Người làm Sản xuất sẽ làm những công việc như thiết kế nhà máy, thu mua nguyên vật liệu, sản xuất hàng loạt từ sản phẩm mẫu và giao nhận hoặc lưu kho. Người làm phân phối và bán lẻ sẽ tìm điểm bán hoặc nhà phân phối, thuyết phục họ cho sản phẩm vào điểm bán, xây dựng trade marketing tại điểm bán và chăm sóc khách hàng. Người làm truyền thông sẽ xây dựng kênh truyền thông, tổ chức các chiến dịch, vận hành kênh truyền thông đó. Người làm nhân sự sẽ tìm kiếm và đánh giá các nguồn nhân sự theo một số tiêu chí, tuyển dụng theo chiến lược và kế hoạch của công ty, đào tạo nhân sự, thuyên chuyển hoặc sa thải sau một thời gian làm việc. Cuối cùng, người làm về tài chính sẽ tìm kiếm các nguồn vốn, đánh giá tiềm năng và rủi ro, gọi vốn theo chiến lược và kế hoạch công ty, sử dụng vốn và ghi chép.

Dựa vào năng lực, sở thích và nguồn lực bản thân, các em có thể chọn làm chủ, làm quản lý, hay làm chuyên gia là đích đến sự nghiệp của mình.

Các bạn học trên trường thường được tiếp cận kiến thức về nghề chuyên môn, vậy các bạn có thể tìm hiểu và lựa chọn những ngành nào tại Việt Nam?

Trước hết, các em cần hiểu, ngành là tập hợp các cá nhân, tập thể cùng phục vụ một nhu cầu của khách hàng. Các em thường nghe thấy các ngành như ngành giáo dục, ngành du lịch, rồi có người nhắc đến ngành nông nghiệp, công nghiệp, hay ngành B2B, B2C… Vậy thì, các em có thể hiểu ngành được phân loại theo 4 cách: (1) Theo nhu cầu, (2) Theo loại sản phẩm, dịch vụ, (3) Theo hình thức sản xuất, mô hình kinh doanh, (4) Theo đối tượng khách hàng.

Phân loại theo nhu cầu

Phân loại theo nhu cầu là dựa vào nhu cầu mà ngành đó đáp ứng để có các ngành khác nhau. Có khoảng 22 ngành theo nhu cầu là: Du lịch và lưu trú, Dịch vụ nhà hàng, Văn hoá và giải trí, Giáo dục đào tạo, Chăm sóc sức khỏe, Mỹ phẩm và làm đẹp, Thời trang và may mặc, Đồ dùng gia đình, Hàng tiêu dùng nhanh, Bất động sản  , Thiết bị công nghệ, Vận chuyển cá nhân, Năng lượng và vật liệu, Máy móc công nghiệp, Nông lâm ngư nghiệp, Vận chuyển và kho bãi, Phân phối và bán lẻ, Dịch vụ truyền thông, Dịch vụ tài chính, Dịch vụ nhân sự, Dịch vụ pháp lý. Mỗi ngành có đối tượng khách hàng riêng, có sản phẩm đầu ra phục vụ các nhu cầu khác nhau có thể suy ra từ tên gọi ngành. Ví dụ: Ngành dịch vụ lưu trú cung cấp các dịch vụ vận chuyển, tham quan, ăn uống, vui chơi, giải trí và lưu lại tạm thời nhằm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch. 

Phân loại ngành theo loại sản phẩm, dịch vụ

Chúng ta có các ngành như ngành sữa, ngành ô tô, ngành bia rượu, ngành công nghệ, ngành điện tử, ngành dầu khí, ngành than…

Phân loại ngành theo hình thức sản xuất, mô hình kinh doanh

Chúng ta có các ngành nông nghiệp, công nghiệp, thương mại. Đây là mà nhà nước phân loại ngành để có thể dễ dàng quản lý.

Phân loại theo đối tượng khách hàng

Chúng ta có các ngành B2B, B2C, C2C, C2B. Ngành B2B là viết tắt của thuật ngữ Business-To-Business, là mô hình kinh doanh mà doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng là các doanh nghiệp khác (bao gồm cả mối quan hệ giữa nhà sản xuất với doanh nghiệp bán buôn và doanh nghiệp bán buôn với doanh nghiệp bán lẻ). B2C là viết tắt của thuật ngữ Business-To-Customer, có nghĩa là từ doanh nghiệp đến người tiêu dùng. Doanh nghiệp bán trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình cho người tiêu dùng cuối (end consumer) qua website, cửa hàng. C2C là viết tắt của thuật ngữ Customer-To-Customer, từ người tiêu dùng đến người tiêu dùng, có nghĩa là hình thức kinh doanh giữa 2 bên, có thể là từ doanh nghiệp, người bán hàng cá nhân,… đến người tiêu dùng thông qua một bên thứ 3: 1 trang web, sàn giao dịch điện tử làm trung gian. C2B là viết tắt của Customer to Business nghĩa là khi doanh nghiệp mua sản phẩm và dịch vụ từ người tiêu dùng. Những sản phẩm và dịch vụ này có thể được mua trên các cửa hàng và chợ thương mại điện tử C2B. 

Các em có thể tham khảo một số ngành phổ biến của nền kinh tế Việt Nam như ngành ăn uống, ngành may mặc, ngành logistics, ngành bất động sản, ngành giải trí, ngành y tế, ngành giáo dục.

 

Vâng xin cảm ơn cô về những chia sẻ rất chi tiết và hữu ích vừa rồi ạ, hi vọng sẽ có nhiều dịp được nghe cô chia sẻ thêm về những chủ đề khác.

Về tác giả:

Mrs. Hải Huyền là nhà sáng lập dự án đào tạo cộng đồng Bess Career nhằm hỗ trợ đào tạo, định hướng và  phát triển sự nghiệp cho các bạn sinh viên Việt Nam; đồng thời cô là Co – Founder của Bhomes Academy – học viện đào tạo và phát triển nhân sự đầu tiên trong ngành bất động sản tại Việt Nam. Trước đó, cô từng là Founder & CEO BST English Center. Cô đã có hơn 13 năm tham gia vào ngành Giáo dục và Đào tạo, tập trung vào việc xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp và đào tạo nâng cao kỹ năng làm việc của nhân sự trẻ trong các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Các bạn có thể tìm hiểu chi tiết và liên hệ với Mrs. Hải Huyền qua:

Fanpage chính thức của cô Hải Huyền: https://www.facebook.com/haihuyenmia

Facebook cá nhân của cô Hải Huyền: https://www.facebook.com/haihuyenbc 

Kênh Youtube chia sẻ kiến thức của cô Hải Huyền: https://www.youtube.com/channel/UC2YfRcEyzJJ_-VXb16axQUQ

Fanpage Bess Career: https://www.facebook.com/BessCareer

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.