Hỗ trợ cần “nói đi đôi với làm”
Theo bà Mai Phượng Anh, nhà sáng lập thương hiệu thời trang Pantio, nền kinh tế Việt Nam với 97% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy không mang về được quá nhiều giá trị GDP cho đất nước, nhưng có một số lượng lao động vô cùng lớn và rất quan trọng.
Trong dịch bệnh COVID-19, khu vực này lại trở thành những doanh nghiệp yếu thế, tự bỏ mồ hôi nước mắt công sức cả đời tích cóp, nhưng chỉ một làn sóng dịch tràn qua đã mang đến thử thách quá lớn. Còn các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp Nhà nước, đôi khi chỉ có một chút kêu khó, đã được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều, hoặc cho vay lãi suất gần như bằng 0 với số tiền lớn.
“Trong chương trình phục hồi lần này, đã cho thấy sự quan tâm, sát sao của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Tôi cảm thấy rất mừng, nhưng trong cái mừng đó thì vẫn có băn khoăn, vì mình cũng đã trải qua nhiều năm kinh doanh trên thị trường, đã từng được hưởng các chính sách. Ví dụ như năm 2009, có chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư nhà máy, nhà xưởng, khi đó, chúng tôi gần như “dốc ruột” để đầu tư và ngay cả ngân hàng cho vay vốn cũng rất hào hứng, để doanh nghiệp bắt tay vào công việc, nhưng cho đến giờ phút này, thì mọi nỗ lực vẫn như bằng không vì dù Nhà nước thực sự muốn giúp doanh nghiệp, nhưng để triển khai lại là cả một vấn đề”, bà Phượng Anh bày tỏ.
Cũng theo vị nữ doanh nhân, việc hỗ trợ của Chính phủ phải đưa được đến đúng nơi, đúng chỗ, vì đồng vốn nước mình định đưa đến 800.000 tỷ đồng, mà chệch mục tiêu thì sẽ gây ra lạm phát lớn, bất ổn toàn nền kinh tế nói chung. Còn với người yếu thế, họ không trông chờ vào việc mỗi tháng được cấp bao nhiêu tiền, mà họ mong muốn có công việc ổn định, do đó, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và đóng bảo hiểm đầy đủ, những doanh nghiệp đã xây dựng một cách nghiêm túc, bền vững trong cả quá trình dài đầu tư tâm huyết cần được chú trọng.
“Chúng tôi vẫn có nhiều tài sản để vay ngân hàng, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có tài sản bảo đảm để có thể tiếp cận vốn, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay, cơ hội cho doanh nghiệp càng bị thu hẹp dần”, Nhà sáng lập Pantio băn khoăn.
Nguồn lực nào cho chương trình phục hồi kinh tế?
Giảm 2% thuế VAT toàn ngành
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển có vấn đề cốt lõi không chỉ là khả năng hấp thụ nguồn vốn, nguồn lực của doanh nghiệp và nền kinh tế, mà phải nói đến cả khả năng thực thi của bộ máy. Một chương trình dù tốt, dù rất tích cực, nhưng năng lực thực thi hay cách thức tổ chức không tốt thì cũng không mang lại hiệu quả.