Masan MEATLife (MML) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản, thông qua kế hoạch tái cấu trúc bằng việc tách biệt các mảng kinh doanh độc lập, bao gồm khả năng tách mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi (TACN) và cho phép công ty chuyển đổi thành nền tảng kinh doanh chỉ tập trung vào thịt có thương hiệu.
Cùng với đó, để huy động vốn cho kế hoạch tái cấu trúc, MML cũng lấy ý kiến về kế hoạch phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 7.284 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm.
Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và không kèm chứng quyền. Đối tượng là cổ đông MML được chốt theo danh sách ngày 31/8 và đáp ứng điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Lãi suất chi trả 2%/năm thanh toán một lần, đồng thời gốc của một phần hoặc toàn bộ trái phiếu có thể được thanh toán bằng cổ phần của CTCP MNS Feed (công ty do MML sở hữu) tối đa 99,99% vốn điều lệ của MNS Feed. Giá giao dịch là 10.000 đồng/cp.
Được biết, MML có tiền thân là Masan Nutri Science (MNS), đổi tên và đưa lên sàn từ năm 2019. Theo đó, MML là kết quả của việc chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng.
Theo thống kê, thịt heo là mảng lớn nhất trong ngành F&B với thị trường có giá trị hơn 10 tỷ USD, gấp 2,5 lần sữa. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường chưa được chuẩn hóa, còn rời rạc và có nhiều sản phẩm chưa an toàn cho sức khỏe. Do đó, MML đặt tham vọng đến năm 2025 sẽ đạt 35.000 tỷ đến 45.000 tỷ đồng doanh thu mảng thị, khoảng 10% thị phần toàn quốc. Biên lợi nhuận gộp mục tiêu 30 – 35% và biên lợi nhuận trước thuế, lãi vay (EBIT) là 20 – 25%.
Nửa đầu năm 2021, nhu cầu tích trữ thực phẩm mùa giãn cách tăng cao thúc đẩy MML tăng trưởng mạnh mẽ. Ghi nhận, trong kỳ thịt heo mang về mức doanh thu thuần 1.438 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng doanh thu thuần của MML không bao gồm 3F Việt. Tương ứng, doanh thu toàn đơn vị MEATLife tăng đến 34% lên 9.635 tỷ doanh thu – đóng góp hơn 23% tổng doanh thu Tập đoàn Masan.