Fe Credit đẩy mạnh mảng thẻ tín dụng, sẽ tiếp tục kế hoạch IPO
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, Tổng Giám đốc VPBank – ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, mọi năm, công ty tài chính Fe Credit đóng góp khoảng 44% vào lợi nhuận hợp nhất nhưng năm nay có thể thấp hơn.
Ông Vinh cũng cho biết, Fe Credit trong thời gian qua đã siết chặt hoạt động hơn rất nhiều, chẳng hạn tạm thời dừng tăng trưởng, tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, tăng bán chéo, tìm cách kiểm soát rủi ro. Đến thời điểm cuối tháng 5, Fe Credit mới chỉ tăng trưởng tín dụng hơn 1% và cũng xác định sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ trong tháng 6 với mức tăng trưởng chỉ khoảng 1-2%.
Trước đó, Tổng giám đốc Fe Credit là ông Kalidas Ghose cũng đánh giá dịch bệnh đã tác động tiêu cực lên nhiều mặt đời sống ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, và công ty tài chính cũng không là trường hợp ngoại lệ, khiến cho các khoản cho vay của công ty này chậm lại đáng kể. Song với định hướng kiểm soát rủi ro nên trong thời gian qua Fe Credit cũng đã giảm mạnh tỷ lệ nợ xấu từ mức 6% cùng kỳ 2019 xuống chỉ còn 4,4% như hiện nay – con số thấp trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Tổng giám đốc Fe Credit cũng cho biết sẽ tiếp tục theo con đường tập trung vào các nhóm khách hàng tốt và tăng kiểm soát rủi ro. Song ông còn nhận thấy một xu hướng tiêu dùng mới của khách hàng sau thời gian giãn cách xã hội đó là tăng chi tiêu qua thẻ tín dụng. Trong quý 1/2020, chi tiêu qua thẻ tín dụng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là chi tiêu mua sắm hàng tiêu dùng và giao dịch thương mại điện tử.
Kế hoạch IPO của Fe Credit cũng được giới đầu tư quan tâm. Theo ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, thời gian qua đã đàm phán với nhiều nhà đầu tư về việc bán một phần vốn Fe Credit, và cũng đã có kết quả tích cực. Thời gian gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh nên quá trình đàm phán tạm thời bị gián đoạn song HĐQT tin rằng quá trình này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới và sẽ đạt mục tiêu vì Fe Credit rất hấp dẫn trong ngành tài chính tiêu dùng.
Về việc khi bán vốn thì tỷ lệ sẽ khoảng bao nhiêu, theo chủ tịch VPBank, đây là công ty tài chính – khác với các ngân hàng – nên có thể kêu gọi bán vốn tới 49%. Việc bán vốn nếu tỷ lệ cao như vậy sẽ giúp ngân hàng nhận được sự hợp tác về tài chính, công nghệ, kinh nghiệm quản trị điều hành… để cùng kinh doanh đem lại hiệu quả cao hơn, lại có nguồn vốn lớn để tăng quy mô, đẩy mạnh cho vay bán lẻ và SME – những mảng lõi của ngân hàng mẹ.
HD Saison lên lộ trình IPO
Tương tự Fe Credit, HD Saison – một trong những ông lớn về tài chính tiêu dùng cũng đang lên kế hoạch IPO.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 HDBank sáng 13/6, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết ngân hàng đang đang xây dựng kế hoạch chuyển đổi Công ty Tài chính TNHH HD Saison sang mô hình cổ phần và có thể tiến tới IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) công ty tài chính tiêu dùng này.
HD Saison hiện có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng. Trong đó, HDBank nắm 50% vốn điều lệ, đối tác Credit Saison của Nhật Bản sở hữu 49% và Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) giữ 1%.
Tính đến ngày 31/12/2019, danh mục cho vay của HD Saison bao gồm 42% cho vay xe máy; 25% cho vay thiết bị gia dụng; 33% cho vay tiền mặt và 0,002% cho vay các sản phẩm mới khác như vay trực tuyến mua vé máy bay Vietjet Air.
Đối với các khoản vay bằng tiền mặt, không giống như hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng khác trên thị trường, HD Saison cho biết công ty tuân theo một tiêu chuẩn nghiêm ngặt về quản lý rủi ro. Cụ thể, HD Saison chỉ cho vay tiền mặt đối với khách hàng hiện tại có hồ sơ tín dụng đã được chứng minh có lịch sử trả nợ tốt.
MCredit củng cố lại mô hình cho vay, cắt giảm nhân sự
Bà Vũ Thị Hải Phượng, phó chủ tịch HĐQT MBBank kiêm chủ tịch MCredit cho biết, công ty tài chính MCredit trong thời gian qua phát triển theo hướng gia tăng thị phần nên có phần “nóng”. Do đó, HĐQT đã yêu cầu tái cơ cấu toàn diện để đưa MCredit lên tầm cao mới, phù hợp với khẩu vị rủi ro của ngân hàng. Công ty cũng xây dựng hệ thống định hình mô hình tài chính tiêu dùng nhân văn.
Về nợ xấu, lãnh đạo MCredit cho biết công ty tài chính có đặc thù là kinh doanh tín chấp, nên việc thu hồi nợ và có nợ xấu là hiện hữu. Trong năm nay công ty tài chính đang giảm dần tỷ trọng cho vay tiền mặt nên rủi ro sẽ giảm xuống. Ngân hàng cũng củng cố lại mô hình cho vay trả góp, đưa tỷ trọng cho vay trả góp lên 40 – 45%.
Năm nay, MCredit cũng sẽ kiện toàn lại toàn bộ hoạt động, tăng cường vai trò của các uỷ ban, tăng cường các quy chế để quản trị tốt hơn, ưu tiên xây dựng hệ thống hiện đại để tạo ra năng lực cạnh tranh của công ty. Ngoài ra, MCredit đang thực hiện cơ cấu lại nhân sự, cắt giảm trên 500 người…Tất cả các yếu tố này sẽ giúp tiết giảm chi phí, tăng cao hiệu quả hoạt động.
6 tháng đầu năm, ước tính nợ xấu của MCredit kiểm soát dưới 6%, tỷ lệ trôi nợ (đặc thù của công ty tài chính) là dưới 4%, và lợi nhuận khoảng 120 tỷ.
SHB FC đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm
Tại ĐHĐCĐ thường niên, cổ đông ngân hàng SHB đã thông qua kế hoạch thoái vốn khỏi công ty tài chính SHB FC, dự kiến sẽ đem lại nguồn thặng dư vốn lớn cho ngân hàng.
Ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, tiền thân của SHB FC là Công ty tài chính Vinaconex Vietel, trước khi sáp nhập vào SHB đây là công ty tài chính có sức khoẻ tốt. Với nền tảng tài chính tốt đó, SHB đã luôn đảm bảo hoạt động của SHB FC hoạt động lành mạnh, quản trị rủi ro tốt. “Đây là thời điểm thuận lợi để thoái vốn cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài”, ông nói.
Lợi ích thoái vốn bên cạnh việc thặng dư vốn đáng kể còn nâng cao năng lực quản trị điều hành của SHB FC. “Bầu” Hiển nói thêm “Chúng tôi cũng sẽ chọn NĐT chiến lược để cùng đồng hành, cộng hưởng, gắn kết trong chiến lược kinh doanh của 2 bên”.
Nói về giá bán, Chủ tịch SHB cho biết sẽ phấn đấu sao cho có lợi ích tốt nhất cho cổ đông, tỷ lệ bán còn phải theo quy định của NHNN. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh lại cũng phải chọn đối tác có thể đồng hành với SHB, có thể cộng hưởng với SHB.
“Bầu” Hiển cũng tiết lộ đã có đối tác và đang đàm phán. “SHB FC hoa hậu, rất nhiều chàng rể đến tìm hiểu. Tôi nghĩ sẽ sớm thống nhất việc chọn lựa đối tác. Khả thi sẽ thành công trong năm nay”, ông nói.
SHB cho biết, năm 2019, các kênh bán hàng trực tiếp của SHB FC đã phủ khắp 30 tỉnh/ thành phố; các kênh bán hàng khác cũng đa dạng gồm bán hàng online, facebook, fanpage, zalo,…
Dư nợ cho vay của SHB FC năm 2019 đạt 2.727 tỷ đồng, tăng 284% so với năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 106 tỷ đồng, tăng 856% so với năm 2018. Nhân sự của SHB FC đến 31/12/2019 là 1.855 người, tăng 706 người so với năm 2018.