Đồng tiền này đã tìm được một số yếu tố hỗ trợ sau khi Chính phủ Nga ra lệnh cho các công ty xuất khẩu, trong đó có một số nhà sản xuất năng lượng hàng đầu thế giới, từ Gazprom đến Rosneft, bán 80% doanh thu ngoại hối ra thị trường để chặn đà giảm giá của rúp, vì khả năng can thiệp vào thị tường tiền tệ của ngân hàng trung ương lúc này bị hạn chế.
Tuy nhiên, động thái đó chỉ đẩy rúp hồi phục lên mức 75 RUB/USD và 87 RUB/EUR trong một thời gian ngắn ngủi rồi sau đó nhanh chóng quay đầu giảm.
Kết thúc ngày 1/3, RUB giảm 11,5% so với USD, xuống 112,54 RUB; tiếp tục con đường về lại mức thấp kỷ lục 122 RUB đã chạm tới hôm 28/2.
Trên sàn giao dịch điện tử EBS, đồng rúp kế thúc ngày ở mức 109,5 RUB/USD.
Đồng tiền này đã giảm đáng kể từ khi Nga bắt đầu “chiến dịch đặc biệt” đối với Ukraine, có thời điểm mất 1/3 giá trị, buộc Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng gấp đôi lãi suất, lên 20% và áp dụng một loạt các biện pháp khác nữa.
Dmitry Polevoy, người đứng đầu bộ phận đầu tư của LockoInvest, kỳ vọng đồng rúp sẽ được thúc đẩy hồi phục trở lại bởi các biện pháp của nhà nước Nga như bán ngoại tệ ra thị trường trong nước, và thậm chí có thể tăng khi người dân bắt đầu bán USD ra vì lo ngại về những khoản tiền tiết kiệm bằng tiền Mỹ.
Tuy nhiên, nhà phân tích tiền tệ cấp cao Piotr Matys của In Touch Capital Markets cho rằng: “Việc Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất đáng kể đã không thể ổn định được đồng rúp”, “Diễn biến của đồng tiền này khó ai có thể đảo ngược lại, ngay cả những động thái quyết liệt của Ngân hàng Trung ương Nga, bởi thực tế là các nhà đầu tư nước ngoài không thể đầu tư vào tài sản của Nga nữa”.
Về các ngoại tệ khác, đồng USD tiếp tục tăng mạnh do nhu cầu đối với các tài sản an toàn. Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các tiền tệ đối tác chủ chốt – kết thúc n gày 1/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,8% lên 97,508, chủ yếu do xu hướng tăng mạnh so với euro, bảng Anh, đô la Australia, đô la New Zealand và cả yen Nhật, và chỉ giảm so với franc Thụy Sỹ, đô la Canada và nhân dân tệ.