Phần lớn các bang thường liên tục bỏ phiếu cho một đảng (Dân chủ hoặc Cộng hòa). Từ năm 2000 đến năm 2016, có 38 bang đã bỏ phiếu cho cùng một đảng chính trị. Tuy nhiên có những bang không nằm trong xu hướng này.
Các bang dao động, còn được gọi là các bang chiến trường hay bang màu tím, là những bang có tính cạnh tranh cao do sự thay đổi trong việc bỏ phiếu cho các đảng khác nhau xuyên suốt các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Dưới đây là lịch sử của các bang dao động và ảnh hưởng mạnh mẽ của các bang này đối với các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Sức mạnh của cử tri đoàn
Các nhà lập quốc bất đồng về cách thức lựa chọn tổng thống. Một số muốn Quốc hội lựa chọn nhà lãnh đạo của đất nước, trong khi một số khác muốn người dân bầu trực tiếp. Cử tri đoàn được thành lập như một sự thỏa hiệp giữa 2 xu hướng.
Hiến pháp quy định mỗi bang có một số lượng đại cử tri nhất định bao gồm toàn bộ các đại diện của bang đó tại Thượng viện và Hạ viện. Có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri và các ứng cử viên tổng thống cần 270 phiếu để giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
48 trong số 50 tiểu bang (ngoại trừ bang Maine và Nebraska) của Mỹ áp dụng quy tắc “người chiến thắng nhận tất cả”, có nghĩa là ứng viên nào thắng số phiếu phổ thông của bang sẽ giành được tất cả số phiếu đại cử tri đoàn của bang đó.
Tổng thống có thể là người thua số phiếu phổ thông và nhưng lại giành được chiến thắng về số phiếu đại cử tri. Điều này xảy ra 5 lần trong lịch sử bầu cử Mỹ, gần đây nhất là cuộc bầu cử năm 2016. Khi đó bà Hillary Clinton nhận được nhiều hơn ông Donald Trump 2,8 triệu phiếu phổ thông – mức chênh lệch lớn nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ, nhưng lại thua về số phiếu đại cử tri.
Do 38 trong số 50 bang đã bỏ phiếu cho cùng một đảng kể từ cuộc bầu cử tổng thống năm 2000, sẽ tương đối dễ dàng để dự đoán bang nào sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Đảng Dân chủ và bang nào sẽ bỏ phiếu cho một người thuộc Đảng Cộng hòa. Yếu tố quyết định một ứng cử viên sẽ thắng hay thua chính là các bang dao động.
Có phải lúc nào cũng có các bang dao động hay không?
Lý do tồn tại các bang dao động ở Mỹ là vì hệ thống bỏ phiếu của nước này được cấu trúc xung quanh các bang.
John Hudak, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings nói rằng: “Hệ thống bầu cử tổng thống của Mỹ được thiết kế để biến các bang trở thành đơn vị pháp lý quan trọng trong việc bỏ phiếu”.
Hudak cho rằng cuộc bầu cử tổng thống năm 1800 có tính cạnh tranh cao giữa Aaron Burr và Thomas Jefferson đã tăng cường lợi ích chính trị trong việc giành chiến thắng ở các bang cụ thể.
“Sau năm 1800, các bang bắt đầu có cách tiếp cận quyết liệt hơn trong việc đảm bảo các số liệu của họ được thu thập và báo cáo. Theo thời gian, các chính trị gia nắm bắt được các khu vực bầu cử của bang trông như thế nào và tính cạnh tranh cũng tăng lên”, ông Hudak cho biết.
Giáo sư về Khoa học chính trị tại Đại học Hamline, ông David Schultz nói rằng, các bang dao động bắt đầu nổi lên từ sau cuộc Nội chiến.
“Năm 1860, vấn đề nô lệ đã tạo nên các bang dao động như Ohio”, Schults nói. Theo ông, các bang miền Bắc bỏ phiếu cho Lincoln. Các bang miền Nam bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân chủ. Chính các bang như Ohio đã thay đổi sự cân bằng. Không có đảng viên Cộng hòa nào thắng cử tổng thống trừ khi họ thắng ở Ohio.
Theo History, khái niệm bang dao động được New York Times sử dụng lần đầu tiên vào năm 1936 trong khi Franklin D. Roosevelt vận động tranh cử ở miền Tây. Tuy nhiên phải đến cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi năm 2000, sức nóng của các bang chiến địa như Florida mới bắt gia tăng.
Tại sao các bang dao động lại quan trọng?
Việc “tính đến từng lá phiếu” đặc biệt đúng ở các bang dao động. Các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong lịch sử hiện đại đã chứng minh điều này.
Năm 1948, Harry S. Truman đã đánh bại Thomas Dewey với cách biệt chưa đến 1% số phiếu phổ thông ở các bang dao động lúc bấy giờ như Ohio, California, Indiana, Illinois và New York. Cuộc đua này sít sao đến mức một số tờ báo tuyên bố “nhầm” Dewey là người chiến thắng.