Trong vườn hoa ngành y muôn màu muôn vẻ, có một “đóa hồng” vừa rực rỡ vừa kiên cường đã dành trọn tâm huyết cả đời cho những bệnh nhi sốt xuất huyết nặng đang phải điều trị hồi sức nặng, đó chính là Bác Sĩ Võ Thị My Na, khoa Hồi Sức Nhiễm, Bệnh Viện Nhi Đồng 2 Thành Phố Hồ Chí Minh.
Ngay từ những ngày đầu tiên công tác tại Khoa Hồi Sức – Nhiễm, chỉ với 30 cán bộ, nhân viên, Bác sĩ My Na đã cùng các đồng nghiệp vượt qua tất cả những khó khăn buổi ban đầu. Từ một đơn vị điều trị cho khoảng 100 bệnh nhân, cho đến nay, mỗi ngày khoa Bệnh máu trẻ em có tới khoảng 300 đến 400 bé điều trị nội trú mỗi ngày. Đó là những con số biết nói, nói lên tâm huyết và công sức của chị và những người đồng nghiệp.
Chị tâm sự: “Bản thân là bác sĩ đã vất vả, nhưng lại là một bác sĩ điều trị bệnh nhiễm và hồi sức ca khó nặng từ ca khoa khác chuyển về cho trẻ em lại càng áp lực hơn”. Người bác sĩ điều trị cho trẻ em phải đối mặt với gấp hai lần áp lực từ người bệnh và từ người nhà các em.
Các em nhỏ khi đau không biết nói, biết chỉ như người lớn, ngôn ngữ để bày tỏ mọi cảm xúc tiêu cực của các em chỉ có tiếng khóc. Còn cha mẹ đưa con đi viện không chỉ mệt mỏi về thể xác, đau đớn về tinh thần mà còn cộng thêm cả gánh nặng về vật chất.
Với chị My Na, trong hơn 10 năm gắn bó với bệnh nhân nhi, không ít lần chị phải trải qua cảm giác xót xa và bất lực: “Là bác sĩ nhi điều trị bệnh truyền nhiễm ,hồi sức , có nhiều lúc tôi cảm thấy bất lực. Có nhiều cháu được điều trị lui bệnh rất tốt, sống khỏe mạnh được nhiều năm sau đó tái phát. Lúc đó, mình gần như biết trước kết quả nhưng không làm gì được. Bản thân cũng là một người mẹ có con nhỏ, mỗi khi có một cháu ra đi thì thật sự rất khó khăn để vượt qua được nỗi xót xa ấy.”
Bệnh nhân nhí tại Khoa Hồi Sức – Nhiễm thì trẻ em có đến 2/3 là bệnh nhân với nhiều trường hợp rất nặng. Thời gian đầu khi làm bác sĩ tại Khoa Hồi Sức –Nhiễm , chị không có đêm nào ngủ ngon và già đi trông thấy. Trong một vài khoảnh khắc, chị đã từng có suy nghĩ: Giá mình cứ làm một bác sĩ bình thường điều trị bệnh nhân người lớn chứ không thể tiếp tục gánh vác được công việc của một bác sĩ cho trẻ em.
Chị day dứt, ám ảnh khi chứng kiến hình ảnh người cha – một người đàn ông mạnh mẽ ngồi ở một góc lặng lẽ khóc khi biết bệnh của con, những cháu bé cứ nhìn bác sỹ với ánh mắt cầu cứu, giãy giụa rồi ra đi, có cháu trong lúc đau đớn không ngừng kêu khóc: “Bác My Na, ơi cứu cháu với” mà không biết rằng chị đã cố gắng hết sức mình mà lực bất tòng tâm.
Có người cho rằng các bác sỹ hàng ngày tiếp xúc với nhiều người bệnh và chứng kiến nhiều cái chết, lâu dần cảm xúc sẽ trở nên chai sạn. Nhưng chị My Na ngoài việc là một bác sỹ thì còn là một người vợ, một người phụ nữ có trái tim yếu mềm, giàu xúc cảm.
Chứng kiến gia đình các cháu, kể cả các gia đình ở nông thôn khi có con bị liệt não vì sốt xuất huyết đã trở nên kiệt quệ, có nhà còn phải cầm cố, bán nhà cửa, nợ nần chồng chất mà vẫn quyết tâm theo đuổi, điều trị cho con dù rằng đó chỉ là kéo dài sự sống cho cháu bé.
Chị rút ra một điều rằng: “Trên đời này, con cái luôn là tất cả tình yêu, hy vọng của cha mẹ”. Chính vì vậy, nhiều khi cảm thấy bất lực vì đã chứng kiến quá nhiều em bé ngây thơ, đáng yêu ra đi nhưng bác sĩ My Na vẫn dành hết tâm huyết để thắp lên niềm hy vọng cho gia đình người bệnh.
Bên cạnh những áp lực, công việc của một bác sĩ nhi cũng có rất nhiều niềm vui vì trẻ em là những thiên thần đáng yêu, ngây thơ như tờ giấy trắng, có em bé còn biết nịnh mỗi khi gặp bác sĩ: “Cháu chào bác My Na xinh đẹp”.
Khác với bệnh nhân người lớn luôn bị ám ảnh bệnh tật thì các em còn không biết bệnh của mình. Điều đó khiến các em cơ thể có thể ốm yếu, cánh tay lúc nào cũng gắn chiếc kim truyền trên tay nhưng tâm hồn vẫn trong trẻo, hồn nhiên tưởng như bệnh tật không thể nào chạm tới được. Cha mẹ bệnh nhân có khi con mất rồi hoặc đã ra viện nhưng vẫn quay lại Khoa cảm ơn bác sĩ và làm từ thiện để san sẻ với những người bệnh đang mang nỗi đau mà chính họ đã từng trải qua.
Chị Nguyễn Thị Lý, mẹ một bệnh nhi bày tỏ: “Trong thời gian điều trị ở Khoa Hồi Sức-Nhiễm , con tôi và người nhà tôi được các bác sĩ, điều dưỡng rất quan tâm và nhiệt tình chăm sóc. Tuy là nằm viện nhưng tôi cảm thấy đó là mái nhà thứ 2 vậy. Tôi chưa thấy một bệnh viện nào có sự tận tình chăm sóc bệnh nhân như vậy”.
Bác sĩ My Na luôn tâm niệm sự kiên trì và cái tâm của người bác sỹ chính là những phẩm chất cần thiết để trở thành một bác sĩ nhi. Trong suốt quá trình gắn bó và cứu chữa cho các em nhỏ chị nhận ra rằng: “Khám và chữa bệnh cho trẻ em không như người lớn, ngoài kiến thức chuyên môn người bác sỹ còn cần có sự kiên nhẫn, lòng yêu trẻ và sự nhiệt tình, nếu không có những phẩm chất đó thì dù chuyên môn giỏi đến mấy cũng không thể trở thành bác sỹ nhi tốt được”.
Phụ nữ vốn đã mang trên mình nhiều trách nhiệm cao cả, những người phụ nữ ngành y lại càng đáng khâm phục hơn bởi họ đã phải hy sinh rất nhiều thời gian riêng của bản thân để vừa chăm sóc gia đình, vừa hoàn thành tốt công việc. Bác sỹ My Na và những nữ đồng nghiệp của chị sẽ luôn là những “bông hồng thép” vừa tỏa sắc hương rực rỡ lại vừa mạnh mẽ kiên cường, vừa dịu dàng chăm sóc bệnh nhi như người mẹ, người chị lại vừa là người hùng bảo vệ sức khỏe cho các em.